GÓP PHẦN PHÊ PHÁN KHOA KINH TẾ - CHÍNH TRỊ (1859) - Chương II - P3c.

Khác với tiền đúc, vàng trở thành tiền tệ, trước hết bằng cách rút khỏi lưu thông dưới hình thức tiền tệ cất trữ, rồi sau đó lại trở vào lưu thông không phải với tư cách là phương tiện lưu thông, và sau cùng, bằng cách phá vỡ các giới hạn của lưu thông trong nước để làm chức năng vật ngang giá chung trong thế giới hàng hóa. Do đó vàng trở thành tiền tệ thế giới.


[Source]

Nếu các thước đo trọng lượng chung của các kim khí quý đã từng được dùng làm những thước đo giá trị đầu tiên, thì trên thị trường thế giới, các tên gọi để tính toán của tiền tệ lại trở thành những tên gọi trọng lượng tương ứng. Nếu kim khí nguyên chất không có hình thù rõ ràng (aes rude) là hình thái đầu tiên của phương tiện lưu thông, còn bản thân hình thái tiền đúc lúc đầu chỉ là cái ký hiệu chính thức của trọng lượng bao hàm trong những mẩu kim khí, thì kim khí quý, với tư cách là tiền tệ thế giới, lại vứt bỏ hình dạng và con dấu của nó để trở lại hình thái thoi không phân biệt, nói cách khác, nếu những đồng tiền quốc gia, ví như đồng im-pê-ri-an [imperial — B. T.] Nga, đồng ta-le [thaler — B. T.] Mexico và Xu-vơ-ranh [sovereign — B. T.] Anh, lưu thông ở nước ngoài, thì tên gọi của chúng không có quan hệ gì cả, và chỉ có hàm lượng của chúng mới đáng kể mà thôi. Cuối cùng, với tư cách là tiền tệ quốc tế, các kim khí quý lại làm chức năng ban đầu của chúng là phương tiện trao đổi, chức năng phương tiện trao đổi này, cũng giống như bản thân sự trao đổi hàng hóa, nảy sinh không phải trong nội bộ các công xã nguyên thủy mà ở những điểm tiếp xúc giữa các công xã. Như vậy, với tư cách là tiền tệ thế giới, tiền tệ lại mang hình thức ban đầu nảy sinh một cách tự nhiên của nó. Khi ra khỏi lĩnh vực lưu thông trong nước, tiền tệ lại vứt bỏ những hình thức đặc thù đã nảy sinh ra từ sự phát triển của quá trình trao đổi trong nội bộ lĩnh vực đặc thù đó, nghĩa là vứt bỏ những hình thức địa phương của nó khi nó được dùng làm tiêu chuẩn giá cả, tiền đúc, tiền lẻ và ký hiệu giá trị.

Chúng ta đã thấy rằng trong lưu thông nội bộ của một nước chỉ có một hàng hóa được dùng làm thước đo giá trị. Nhưng vì ở nước này, vàng được dùng làm chức năng đó, còn ở nước kia lại là bạc, cho nên trên thị trường thế giới có hai thước đo giá trị, và tiền tệ cũng có hai hình thức tồn tại trong tất cả các chức năng khác của nó. Giá trị của hàng hóa từ giá cả vàng đổi sang giá cả bạc và ngược trở lại, mỗi lần đều do giá trị tương đối của hai loại kim khí đó quyết định, mà giá trị tương đối này lại thay đổi luôn luôn và do đó việc quy định giá trị tương đối đó là một quá trình liên tục. Những người sở hữu hàng hóa của mỗi lĩnh vực lưu thông trong nước buộc phải lúc thì dùng vàng, lúc thì dùng bạc cho việc lưu thông ngoài nước, và do đó họ buộc phải trao đổi thứ kim khí dùng làm tiền tệ trong nước ấy thứ kim khí mà chính họ cần dùng làm tiền tệ ở nước ngoài. Cho nên, mỗi nước đều dùng cả hai thứ kim khí, vàng và bạc, làm tiền tệ thế giới.

Trong lưu thông hàng hóa quốc tế, vàng và bạc không đóng vai trò phương tiện lưu thông, mà làm phương tiện trao đổi phổ biến. Nhưng phương tiện trao đổi phổ biến chỉ hoạt động dưới hai hình thức đã phát triển là phương tiện mua và phương tiện thanh toán mà thôi, tuy nhiên trên thị trường thế giới quan hệ giữa hai hình thức này lại bị đảo ngược. Trong lĩnh vực lưu thông trong nước, vì tiền tệ là tiền đúc, là khâu trung gian trong một thể thống nhất đang vận động H – T – H, hay chỉ là hình thái thuần túy tạm thời của giá trị trao đổi trong sự thay đổi vị trí không ngừng của các hàng hoá, nên tiền tệ độc có tác dụng làm phương tiện mua mà thôi. Trên thị trường thế giới thì ngược lại. Ở đây, vàng và bạc làm phương tiện mua khi sự trao đổi chất chỉ tiến hành ở một phía, và vì vậy có sự tách rời giữa mua và bán. Ví dụ, việc buôn bán ở biên giới Kyakhta trên thực tế và theo hiệp ước[1] là một sự trao đổi vật lấy vật, trong đó bạc chỉ là thước đo giá trị mà thôi. Cuộc chiến tranh 1857-1858[2] đã bắt buộc người Trung Quốc chỉ bán mà không mua. Khi đó bạc đột nhiên xuất hiện là phương tiện mua. Để tôn trọng lời văn của hiệp ước, người Nga đã đúc các đồng năm phrăng của Pháp thành hàng hóa bằng bạc cục mịch để dùng làm phương tiện trao đổi. Bạc luôn luôn làm chức năng phương tiện mua giữa một bên là châu Âu và châu Mỹ và một bên là châu Á, ở đây kim khí đó đọng lại dưới hình thức tiền tệ cất trữ. Hơn nữa, các kim khí quý được dùng làm phương tiện mua trên quốc tế một khi sự cân bằng bình thường trong việc trao đổi chất giữa hai quốc gia đột nhiên bị phá vỡ, ví dụ khi mùa màng thất bát buộc một trong hai quốc gia đó phải mua với một số lượng đặc biệt lớn. Cuối cùng kim khí quý là phương tiện để mua trên quốc tế đối với những nước sản xuất vàng và bạc, ở những nước này vàng và bạc là sản phẩm và hàng hóa trực tiếp, chứ không phải là những hình thức chuyển hóa của hàng hóa. Trao đổi hàng hóa giữa các khu vực lưu thông quốc gia khác nhau càng phát triển, thì chức năng của tiền tệ thế giới dùng làm phương tiện thanh toán khoản chênh lệch trong các bảng cân đối quốc tế càng phát triển.

Cũng giống như lưu thông trong nước, lưu thông quốc tế yêu cầu phải có một số lượng vàng và bạc luôn luôn thay đổi. Vì thế một bộ phận của tiền tệ cất trữ tích lũy được các dân tộc dùng làm qũy dự trữ tiền tệ thế giới, quỹ dự trữ này khi thì vơi đi, khi thì đầy trở lại, tùy theo những sự biến động của trao đổi hàng hoá1). Ngoài những vận động riêng trong đó tiền tệ thế giới chạy qua chạy lại giữa những khu vực lưu thông quốc gia, tiền tệ thế giới còn có một sự vận động chung, mà điểm xuất phát là những nguồn sản xuất ra vàng và bạc, từ đó vàng và bạc tuôn đi theo nhiều hướng trên thị trường thế giới. Ở đây, vàng và bạc vào lưu thông thế giới với tư cách là hàng hóa và được trao đổi với tư cách là những vật ngang giá lấy những vật ngang giá hàng hóa, tỷ lệ với thời gian lao động bao hàm trong chúng, trước khi chúng rơi vào các lĩnh vực lưu thông trong nước. Cho nên, vàng bạc xuất hiện trong các lĩnh vực lưu thông trong nước này với một lượng giá trị nhất định. Do đó mỗi một sự tăng lên hay giảm xuống trong chi phí sản xuất của chúng đều tác động một cách tương ứng tới giá trị tương đối của chúng trên thị trường thế giới, trái lại giá trị tương đối của chúng hoàn toàn không lệ thuộc vào tỷ lệ của vàng và bạc được thu hút vào các khu vực lưu thông quốc gia. Trong cái phần của luồng kim khí được thu hút vào từng khu vực của thế giới hàng hóa, thì một bộ phận trực tiếp đi vào lưu thông tiền tệ trong nước để thay thế những đồng tiền kim khí đã bị mòn, một bộ phận khác bị giữ lại trong các kho cất trữ tiền đúc, làm phương tiện thanh toán và tiền tệ thế giới, một bộ phận được biến thành xa xỉ phẩm, và cuối cùng, chỗ còn lại chỉ giản đơn trở thành tiền tệ cất trữ. Ở giai đoạn phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, sự hình thành các số tiền cất trữ bị giới hạn ở một mức tối thiểu mà các quá trình lưu thông đòi hỏi để guồng máy của nó được tự do phát huy tác dụng. Ở đây chỉ có của cải nhàn rỗi mới trở thành tiền tệ cất trữ đúng theo nghĩa của nó, — trừ phi nó là hình thức tạm thời của số dôi ra trong cán cân thanh toán, là kết quả của việc trao đổi chất bị gián đoạn và do đó, là sự cứng đọng lại của hàng hóa trong sự chuyển hóa hình thái thứ nhất của nó.

Nếu với tư cách là tiền tệ, vàng bạc được quan niệm là hàng hóa chung, thì khi làm tiền tệ thế giới vàng và bạc mang hình thức tồn tại thích ứng của thứ hàng hóa phổ biến. Trong chừng mực tất cả mọi sản phẩm được chuyển nhượng để lấy vàng và bạc, vàng và bạc trở thành hình thái chuyển hóa của tất cả mọi hàng hóa và do đó trở thành thứ hàng hóa có thể chuyển nhượng một cách phổ biến. Chúng thực sự trở thành sự vật chất hóa của thời gian lao động chung trong chừng mực mà sự trao đổi chất của các dạng lao động cụ thể bao quát cả quả địa cầu. Chúng trở thành vật ngang giá chung tùy theo trình độ phát triển của một loạt các vật ngang giá đặc biệt cấu thành khu vực trao đổi của chúng. Vì trong lưu thông thế giới, các hành hóa mở rộng giá trị trao đổi của bản thân chúng một cách phổ biến, nên hình thái của giá trị trao đổi chuyển hóa thành vàng và bạc, xuất hiện như là tiền tệ thế giới. Cho nên, nếu nhờ vào nền sản xuất toàn diện và việc trao đổi phổ biến của mình mà các nước của những người sở hữu hàng hóa biến vàng thành tiền tệ thích ứng, thì đối với các nước đó sản xuất và trao đổi chỉ là một phương tiện để, từ thị trường thế giới, rút ra tiền tệ dưới hình thức vàng và bạc mà thôi. Vì vậy, với tư cách là tiền tệ thế giới, vàng và bạc vừa là sản phẩm của lưu thông hàng hóa chung, lại vừa là phương tiện để mở rộng thêm phạm vi của lưu thông hàng hóa chung. Cũng giống như trước kia môn hóa học sinh ra mà những thuật sĩ luyện vàng muốn luyện ra vàng không hay biết, thì các người sở hữu hàng hóa chạy theo hàng hóa dưới hình thức thần diệu của nó cũng vậy, sau lưng họ nảy sinh những nguồn gốc của công nghiệp và thương nghiệp thế giới mà họ vẫn không hay. Vàng và bạc đã giúp tạo ra thị trường thế giới, vì trong khái niệm tiền tệ của chúng, chúng đã báo trước sự tồn tại của thị trường thế giới rồi. Tác dụng thần diệu đó của vàng và bạc không hề bị hạn chế trong thời kỳ ấu trĩ của xã hội tư bản chủ nghĩa, nó là sự phát triển tất yếu của cái hình ảnh hoàn toàn đảo ngược [Verkehrung] mà trong đó những người hoạt động trong thế giới hàng hóa đã gán cho lao động xã hội của bản thân họ, — điều đó được chứng minh bởi cái ảnh hưởng mạnh mẽ lạ thường của việc tìm ra những vùng đất mới có vàng, ở giữa thế kỷ thứ XIX, đối với sự trao đổi quốc tế.

Tiền tệ phát triển thành tiền tệ thế giới như thế nào thì người sở hữu hàng hóa phát triển thành người thế giới chủ nghĩa cũng như thế. Lúc đầu mối quan hệ có tính chất thế giới chủ nghĩa giữa người với người chỉ là mối quan hệ giữa họ với tư cách là những người sở hữu hàng hóa. Tự bản thân nó, hàng hóa cao hơn tất cả mọi giới hạn tôn giáo, giới hạn chính trị, giới hạn quốc gia và ngôn ngữ. Ngôn ngữ chung của hàng hóa là giá cả, và bản chất chung [Gemeinwesen] của nó là tiền tệ. Đi đôi với sự phát triển của tiền tệ thế giới đối lập với tiền tệ quốc gia, thì chủ nghĩa thế giới của người sở hữu hàng hóa cũng phát triển dưới hình thức một thứ tôn giáo của lý tính thực tiễn đối lập với những thành kiến cổ truyền về tôn giáo, quốc gia, v. v., những thành kiến gây trở ngại cho việc trao đổi chất giữa người với người. Khi cũng thỏi vàng ấy được đưa vào nước Anh dưới hình thức những đồng eagles [hình đại bàng, tức đồng 10 USD vàng] Mỹ và trở thành đồng xu-vơ-ranh, ba ngày sau lại luân chuyển ở Paris dưới hình thức đồng na-pô-lê-ông [napoleon — B. T.], rồi mấy tuần sau lại thấy ở Venice dưới hình thức đồng du-ca [ducat — B. T], nhưng bao giờ cũng vẫn giữ nguyên cũng một giá trị ấy, — thì người sở hữu hàng hóa sẽ thấy rõ ràng quốc tịch "is but the guineá stamp" ["chỉ là dấu ấn của đồng guinea mà thôi"]. Cái ý niệm cao cả đã mở ra cho anh ta toàn bộ thế giới, đó chính là cái ý niệm về thị trường — thị trường thế giới2).


Chú thích

  • Chú thích thuộc chính văn

1) "Tiền tệ đã tích lũy được bổ sung vào số tiền đã rời bỏ và ra khỏi bản thân lĩnh vực lưu thông để có thể tồn tại thực sự ở trong lưu thông và thỏa mãn các nhu cầu có thể có của việc buôn bán". G. R. Carli chú giải cho tác phẩm của Verri, "Meditazioni sulla Economia Potitica, t.XV, p.162 [Verri, "Những điều suy nghĩ về kinh tế chính trị học", t. XV, tr. 162] do Custodi xuất bản, sách đã dẫn.

2) Montanari, "Bàn về tiền tệ" (1683), sách đã dẫn [Montanari, "Della Moneta", trong văn tập của Custodi, Vol. III, Parte Antica — B. T.], tr. 40: "Mối liên hệ giữa các dân tộc đã lan rộng ra toàn thế giới đến nỗi có thể nói rằng toàn thế giới đã trở thành gần như một thành phố duy nhất, ở đó có một hội chợ thường xuyên về tất cả mọi thứ hàng hóa và ở đó mỗi người ngồi ở nhà vẫn có thể, thông qua tiền, có được và hưởng thụ được tất cả mọi vật mà ruộng đất, súc vật và công nghiệp của loài người sản xuất ra. Thật là một sự phát minh kỳ lạ".

  • Chú thích không thuộc chính văn

[1] Ý nói đến Hiệp ước Kyakhta [Treaty of Kyakhta (1727) — B. T.] về buôn bán và đường biên giới, được ký giữa nước Nga và Trung Quốc ngày 21 tháng Mười 1727. Nhờ có Hiệp ước Kyakhta mà việc buôn bán giữa nước Nga và Trung Quốc, chủ yếu là buôn bán trao đổi, được mở rộng.

[2] Nói về cuộc chiến tranh xâm lược được coi là cuộc "chiến tranh nha phiến" lần thứ hai chống Trung Quốc, cuộc chiến tranh này do Anh và Pháp tiến hành nhằm mục đích chiếm những đặc quyền mới ở Trung Quốc và biến nước này thành một nước nửa thuộc địa phụ thuộc. Cuộc chiến tranh kết thúc bằng thất bại của Trung Quốc và một hiệp ước ăn cướp. Hiệp ước Thiên Tân được ký kết.

Join us

If you want more information about joining the IMT, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.