Hieronymus Bosch và nghệ thuật trong cơn giãy chết của chế độ phong kiến

Người ta không biết gì nhiều về một người mà chúng ta biết là Hieronymus Bosch. Ngay cả cái tên ấy cũng không phải tên ông, mà là nghệ danh ông dùng để ký lên các tác phẩm của mình. Tên thật của ông là Jeroe Antroniszoon van Aken, sinh vào quãng năm 1450 tại một thị trấn thương mại sầm uất s’-Hertogenbosch ở Hà Lan, gần biên giới nước Đức. Đó là một thị trấn có 25.000 người sinh sống. Ở đó dệt len là công nghiệp quan trọng nhất. Nhưng nó cũng được biết đến là nơi có những người thợ làm đàn organ, thợ đúc chuông, thợ in và thợ rèn làm dao, vũ khí và đinh. Khoảng 90% dân số làm nông nghiệp.


[Source]

Bosch sống trong một thời kỳ mà Huizinga gọi là sự lụi tàn của thời Trung cổ. Nó diễn ra trùng hợp với sự khởi đầu của thức tỉnh văn hóa vĩ đại mà chúng ta gọi là thời kỳ Phục Hưng. Nghiên cứu và các khám phá khoa học đã nở rộ trong một bầu không khí của sự tò mò tri thức. Đằng sau sự thể hiện ra bên ngoài của những đám rước, những cuộc hành hương và sự mộ đạo, người ta càng ngày càng hoài nghi về Nhà thờ và nghi ngờ về trật tự mà Thượng đế sắp đặt. Phát minh ra in ấn giúp đem lại tri thức cho một quần chúng rộng lớn hơn.

Đó là bước ngoặt chủ đạo trong lịch sử. Đó là thời kỳ những nền móng của chế độ phong kiến đã bị xói món bởi chủ nghĩa tư bản, như Marx và Engels giải thích:

"Từ những nông nô thời trung cổ, đã nảy sinh ra những thị dân các thành thị đầu tiên; từ dân cư thành thị này, nảy sinh ra những phần tử đầu tiên của giai cấp tư sản.

Việc tìm ra Châu Mỹ và con đường biển vòng Châu phi đã đem lại một địa bàn hoạt động mới cho giai cấp tư sản vừa mới ra đời. Những thị trường Đông Ấn và Trung Quốc, việc thực dân hoá châu Mỹ, việc buôn bán với thuộc địa, việc tăng thêm nhiều phương tiện trao đổi và nói chung tăng thêm nhiều hàng hoá, đã đem lại cho thương nghiệp, cho hàng hải, cho công nghiệp, một sự phát đạt chưa từng có, và do đấy, đã đem lại một sự phát triển mau chóng cho yếu tố cách mạng trong xã hội phong kiến đang tan rã.

Phương thức kinh doanh công nghiệp theo lối phong kiến hay phường hội trước kia không còn có thể thỏa mãn những nhu cầu luôn luôn tăng theo sự mở mang những thị trường mới. Công trường thủ công thay cho phương thức kinh doanh cũ ấy. Tầng lớp kinh doanh công nghiệp bậc trung thay cho trùm phường hội; sự phân công lao động giữa các phường hội khác nhau đã nhường chỗ cho sự phân công lao động ngay trong xưởng thợ." (Marx và Engels 1980, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, tr.541-542)

Sự thịnh vượng của s’-Hertogenbosch phát sinh từ sự ra đời của phương thức tư bản. Trong thời kỳ Trung cổ, mọi hoạt động của những nghề đòi hỏi kỹ năng đều bị kiểm soát bởi các phường hội. Nhưng giờ đây, những người làm công đưa vào những phương thức sản xuất mới. Những người làm ra được lợi nhuận nhiều hơn những nghệ nhân truyền thống đã thu về những gia tài lớn. Những kẻ cai trị thuộc tầng lớp quý tộc ở Hà Lan đứng về phía giai cấp tư sản và nhận lấy phần lợi nhuận của mình từ phương thức sản xuất tư bản mới mẻ. Nhưng các phường hội vẫn không chấp nhận những thay đổi đang đe dọa xóa bỏ họ. Xung đột giữa những lợi ích đối lập ở thời điểm ấy đã tiến gần đến cuộc nội chiến.

Người ta chỉ khám phá lại Bosch vào thế kỷ 20, sau gần 3 thế kỷ bị lãng quên. Đó không phải là sự tình cờ. Những thế hệ trước không thể hiểu thứ nghệ thuật lạ kỳ ấy. Đây là nghệ thuật của một thế giới đang trong tình trạng hỗn loạn, bị giằng xé bởi những xu thế mâu thuẫn – một thế giới mà ánh sáng của lý trí đã bị dập tắt và là nơi những đam mê thú vật lên ngôi, một thế giới của sự kinh hoàng và bạo lực, một cơn ác mộng đang sống. Nói ngắn gọn – một thế giới rất giống thế giới của chúng ta.

Giai đoạn chuyển tiếp

Mặc dù bị ngăn cách với thế giới hiện đại hơn 500 năm, tác phẩm của Bosch dường như nói cho chúng ta nhiều điều hơn gấp bội so với nghệ thuật hiện đại. Nó phù hợp với thế giới mà chúng ta đang sống. Nghệ thuật ấy có sự kỳ lạ và có vẻ đẹp lôi cuốn, nhưng có vẻ như nó thiếu tính logic. Lý trí con người bị thách thức ở mọi thang bậc. Một thực tại đứng lộn trên đầu. Chúng ta đối mặt với những hình ảnh thật khó tin, quá khác biệt so với quan sát bình thường về thế giới đến nỗi khiến chúng ta bỏ đi trong cảm giác choáng váng. Ở đây diễn đạt của Hegel thật trúng đích: Lý trí trở thành Phi lý trí.

Tính kỳ lạ là yếu tố cốt lõi của nghệ thuật ấy. Nó là sự phản chiếu của một thế giới không còn là chính nó, một thế giới bị đứt gẫy ở mọi chỗ. Mặt đất dưới chân chúng ta không còn là khối đặc. Những gì là khối đặc chuyển thành chất lỏng và ngược lại. Những ngọn núi tại trung tâm của Khu vườn lạc thú trần tục dường như đã bị biến đổi thành những thứ cây cối quái đản bật toang ra cùng trạng thái chín luỗng phi tự nhiên. Mọi thứ biến đổi thành cái đối lập, hay, nói theo những từ nổi tiếng của Heraclitus là: “mọi thứ vừa là nó vừa không phải là nó vì mọi thứ không ngừng biến đổi.”

Từ quan điểm của phong cách này, tác phẩm của Bosch dường như không giống nghệ thuật trung cổ cũng không giống nghệ thuật Phục Hưng. Mặc dù mọi yếu tố của cả hai nghệ thuật ấy đều xuất hiện, nghệ thuật của Bosch khiến chúng ta cảm nhận tính hiện đại đến kinh ngạc. Các hình ảnh quá đỗi kinh ngạc, thậm chí choáng váng, sự sắp đặt quá mâu thuẫn và bất ngờ, đến nỗi người ta phải nhìn vào thế giới của chủ nghĩa siêu thực để tìm ra bất cứ thứ gì tương tự như vậy. Thực tế tính chất ác mộng của những hình ảnh ấy có tác động lớn hơn nhiều so với các tác phẩm mô tả những phần cơ thể bị biến dạng và những chiếc đồng hồ nhão nhoét của Dali.

Mặc cho đặc điểm phi lý trí và vô chính phủ một cách công khai của nó, thế nhưng, nghệ thuật ấy là sự thể hiện thực sự chân thực về thế giới mà Bosch đã sống trong đó. Đó là nghệ thuật của một giai đoạn chuyển tiếp: thời kỳ suy tàn của chế độ phong kiến và sự vươn lên của chủ nghĩa tư bản. Đó là thời đại của những biến động và thay đổi vĩ đại. Trật tự phong kiến đã trong tình trạng suy thoái không thể đảo ngược và tư sản ở thành thị đang trong tiến trình thách thức trật tự cũ và đòi hỏi quyền lợi của nó.

Khi một hệ thống kinh tế-xã hội nào đó đang tiến lên phía trước, tồn tại một cảm giác phổ biến của sự tự tin và lạc quan. Không ai truy vấn về trật tự đang tồn tại, về tư tưởng và đạo đức của nó. Nhưng giờ đây thế giới cũ của thời kỳ Trung cổ, cùng với nền tảng vững chắc của nó ở niềm tin tôn giáo, đang sụp đổ. Đột nhiên mọi thứ bị ném vào chiếc nồi nung chảy. Hệ thống niềm tin tôn giáo thống trị một ngàn năm kể từ khi Đế chế La mã sụp đổ đã rơi vào khủng hoảng. Thế chỗ cho nó, một tâm thế hoài nghi chung và yếm thế bắt đầu có chỗ đứng trong xã hội. Biến động xã hội toàn diện tìm thấy sự phản chiếu của nó ở sự hoài nghi phổ biến.

Đây là một thế giới đã trở nên điên loạn, một thế giới yếu ốm và không thể tìm ra cách cứu chữa cho sự yếu ốm ấy. Chủ đề lan tỏa của bức tranh trung tâm trong bức tranh bộ ba2 Khu vườn lạc thú trần tục chính xác là một tình trạng chín rữa đến kinh tởm. Một con cá khổng lồ rõ ràng rất giống biểu tượng dương vật. Tội lỗi (thường gắn liền với nhục dục) được truyền tải bằng những trái cầy đầy thịt và kích cỡ to khổng lồ, đặc biệt là những quả dâu. Sự chín luỗng, ám chỉ sự thối rữa từ bên trong, là điều khiến người ta ghê tởm.

Cuối thế kỷ 15 người ta chứng kiến những trận đánh đẫm máu cuối cùng của Chiến tranh 100 Năm và cuộc tấn công đầu tiên của người Thổ. Không phải tình cờ mà hình ảnh trăng khuyết của người Thổ là hình ảnh được lặp đi lặp lại trong các tác phẩm hội họa của Bosch. Cuộc sống của con người bị đe dọa thường trực bởi chết chóc và bạo lực bừa bãi. Hàng triệu người chết trong đại dịch Cái chết Đen, rồi chiến tranh và nội loạn xảy ra liên miên. Sự sụp đổ xã hội dẫn đến một đại dịch trộm cướp và tình trạng vô pháp tràn lan.

Những thị trấn như ’s-Hertogenbosch đầy rẫy những giá treo cổ, những dàn giáo và nhà tù. Đây là thời kỳ của bạo lực vô cảm và bừa bãi, thần chết là kẻ đồng hành thường trực và dễ dàng nhận ra. Có thể thấy hình ảnh thần chết nhăn nhở cười ở mọi nhà thờ. Và ở hậu cảnh của những bức tranh tử thần bao giờ cũng hiện hữu – thường ở dạng một bộ xương. Mô típ tương tự được Pieter Brueghel, người kế thừa thực sự duy nhất của Bosch, tiếp nhận như trong bức tranh Thần chết Khải hoàn.

Sự tan rã của chế độ phong kiến, đi kèm với đủ loại hỗn loạn – chiến tranh, nạn đói và dịch bệnh – đã tạo ra một tầng lớp dưới đáy của những người đã bị bần cùng hóa: nông dân không ruộng đất, đĩ điếm và ăn mày, kẻ bán rong và thầy phù thủy, lính xuất ngũ và những kẻ cướp đường, chúng sẵn sàng cắt cổ họng người ta chỉ vì vài xu lẻ. Ở Đức, nhiều quý tộc phong kiến trở thành bá tước ăn cướp, những kẻ coi nông dân là mồi săn. Tất cả những thứ cặn bã trôi nổi của xã hội tìm thấy sự phản chiếu của nó trong những bức tranh của Bosch.

Cái chết Đen tàn sát Châu Âu vào thế kỷ 14, quét sạch ít nhất một phần ba dân số. Nó lại được tiếp nối bởi nạn đói, giết hại thêm nhiều người nữa. Kế đến là một thế giới của bóng đêm, hỗn loạn và vô chính phủ. Người ta tin rằng bệnh tật là do bọn quỷ gây nên và Cái Chết Đen là dấu hiệu chắc chắn của sự giận dữ của Thần thánh. Đối với đầu óc trung cổ, vốn ngập chìm trong một thế giới của sự thần bí tôn giáo, của những bóng ma và mê tín, dường như ngày tận thế đang đến gần. Có một niềm tin phổ biến rằng nó sẽ bắt đầu diễn ra vào năm 1500. Địa ngục đang ở ngay đây, và đối với hầu hết nhân loại, không còn một cơ hội cứu vãn nào.

Tận thế?

Tất cả mọi người đều thấy rõ thế giới cũ đã rơi vào tình trạng mục nát nhanh chóng và không thể cứu chữa. Con người bị giằng xé bởi những xu thế mâu thuẫn. Niềm tin của họ bị nghiền nát, họ bị thả trôi giữa một thế giới lạnh giá, vô nhân tính, thù địch và không thể hiểu nổi. Cảm giác ngày tận thế đang kề cận là điểm chung của mọi giai đoạn lịch sử khi mà hệ thống kinh tế–xã hội đã rơi vào sự suy thoái không thể đảo ngược. Peter S. Beagle viết:

“Khi Bosch ra đời, trật tự của sự vật đang đổ vỡ. Sự đảm bảo man rợ của chế độ phong kiến dựa vào một lý giải phổ biến cho rằng trật tự của sự vật là ở trên thiên đường. Đức Cha Chúa trời, tức Tổng Lãnh chúa, duy trì thế giới bằng đất phong, chia đất đai và quyền lực cho các đại chư hầu, cho giáo hoàng, cho vua và hoàng đế, những kẻ ấy đến lượt lại đi cho thuê đất […]” (P. Beagle, Khu vườn lạc thú trần tục, tr. 14.)

Bỗng nhiên, lúc này tất cả những đảm bảo của thế giới cũ bị đạp đổ. Nó giống như đinh chốt của thế giới đã bị tháo gỡ. Hậu quả là sự bất an và sự hỗn loạn kinh hoàng. Giữa thế kỷ 15, hệ thống niềm tin cũ bắt đầu đổ vỡ. Người ta không còn trông cậy Nhà thờ như là chỗ mang lại sự cứu rỗi, sự an ủi hay sự khây khỏa nữa. Thay vào đó sự bất bình đối với tôn giáo nảy sinh với nhiều hình thức khác nhau, và được dùng để che dấu cho những phản kháng chính trị và xã hội.

Có nhiều điểm tương đồng giữa thế giới của Bosch và thế giới của ngày hôm nay, nhưng có một hố sâu khổng lồ ngăn cách giữa hai thế giới ấy. Ngày nay, ít ra là ở Phương Tây, tôn giáo đang chết dần. Nhưng tôn giáo ở giai đoạn cuối của thời Trung cổ vẫn có vai trò cực kỳ quan trọng. Do vậy một điều tự nhiên là chính trị và đấu tranh giai cấp thể hiện bản thân nó ở tôn giáo. Chỉ có một thứ duy nhất có thể giúp cuộc sống dễ chịu hơn cho quần chúng nhân dân: đó là một hy vọng vào kiếp sau.

Nhà thờ Đức mẹ có bổn phận đem lại sự an ủi cho người nghèo và hy vọng về một cuộc đời tốt đẹp hơn cái kiếp người đầy tội lỗi này. Nhưng ngay cả điều đó cũng đang bị hư hỏng và xói mòn, như chúng ta thấy ở một trong những kiệt tác vĩ đại của Bosch. Đây là giai đoạn mà quan niệm cũ về nghèo đói, quan niệm đã gây cảm hứng cho những người tiên phong chọn lối sống tu viện, chỉ còn là một ký ức xa xôi. Những kẻ đứng đầu Nhà thờ cạnh tranh và thường vượt trội hơn những vị vua thế tục ở lối sống xa hoa và của cải vô cùng lớn.

Đó là một thực tại kinh hoàng chứa đựng những hệ quả nghiêm trọng đối với con người. Vì nếu như cuộc đời này tồi tệ như vậy thì sự an ủi duy nhất là bấu víu vào hy vọng về một cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia. Một khi niềm tin ấy bị tước bỏ, chỉ còn lại sự tuyệt vọng tăm tối nhất. Người ta càng ngày càng đặt câu hỏi về uy quyền của nhà thờ. Như một triệu chứng cho sự tan rã và tan biến của trật tự cũ, con người tìm kiếm sự cứu rỗi ở bên ngoài nhà thờ bằng mọi hình thức như ở những phong trào mê tín và thần bí, trong số nhiều phong trào ấy có những niềm tin tôn giáo chính thống ẩn chứa những phong trào xã hội có tính lật đổ và nguy hiểm.

Đây là thời kỳ mà một số lượng lớn người dân đổ ra đường, với chân trần và ăn mặc rách rưới, tự mình lê lết cho đến khi rớm máu. Những phái tự hành xác chờ đợi sự kết thúc của thế giới, họ lo âu chờ đợi từ giờ này sang giờ khác. Cuối cùng thì, cái xảy ra không phải là sự kết thúc của trần thế mà chỉ là sự kết thúc của chế độ phong kiến, và cái xuất hiện không phải là một Thiên niên kỷ mới mà chỉ là hệ thống tư bản. Nhưng không thể mong chờ họ sẽ hiểu ra điều đó.

Sự suy tàn của xã hội phong kiến và sự hình thành của chủ nghĩa tư bản sản sinh ra sự náo động về tư tưởng và cuộc khủng hoảng niềm tin thể hiện bản thân nó ở sự xuất hiện của những dòng chảy đối lập như Lollards và John Wycliffe ở Anh và Hussites ở Bohemia. Đây là một thế giới đang bên bờ vực của một cuộc cách mạng tôn giáo và xã hội. Thế giới cũ đã phơi bày sự mục nát và đồi bại đến tận xương tủy. Thế giới ấy đang lung lay, đang chờ đợi sự sụp đổ của nó. Thế giới ấy không đáng tồn tại nữa.

Tinh thần của những bức tranh ấy cũng là tinh thần đã đẩy những người tự hành xác ra đường. Họ bị tiêm nhiễm một tâm trạng về ngày tận thế. Cảnh tượng những phái hành xác lê lết qua các thành phố và làng mạc với những tiếng gào khóc khủng khiếp về sự “ăn năn” bị ngắt quãng bởi những tiếng gào thét và rên rỉ khi chiếc roi quất vào da thịt đã bị xé toang trên những tấm lưng đang chảy máu, là một dấu hiệu của thời đại. Trong cuốn sách nổi tiếng Sự suy tàn của thời kỳ Trung Cổ Johan Huizinga viết:

“Một cảm giác chung về tai ương đang đến cứ treo lơ lửng trên đầu. Hiểm họa thường trực lan tràn khắp mọi nơi […] Cảm giác của sự bất an phổ biến gây ra bởi chiến tranh liên miên dễ dàng diễn ra, bởi sự đe dọa của những tầng lớp nguy hiểm, bởi sự ngờ vực vào công lý, lại thêm trầm trọng bởi tâm trạng ám ảnh về ngày tận thế đang đến gần, và bởi nỗi sợ địa ngục, phù thùy và ma quỷ […] Khắp nơi những ngọn lửa của sự thù hận nảy sinh và sự bất công bao trùm. Quỷ Xa tăng che phủ cả mặt đất u ám bằng những đôi cánh thẫm đục”

Hứa hẹn về sự cứu rỗi và một cuộc sống vĩnh hằng tồn tại trong lý thuyết, nhưng trong thực tế, viễn cảnh phổ biến của thời kỳ này là bóng đen sâu thẳm. Cảm giác bi quan được phản chiếu trong thơ ca của thời đại, như những vần thơ sau đây của nhà thơ người Pháp Deschamps, xem thế giới như một kẻ già yếu đang trong tình trạng lão suy trầm trọng:

"Or est laches, chetis et moltz,

Vieux, convoiteux et mal parlant;

Je ne voy que foles et folz…

La fin s’approche, en verité …

Tout va mal."

(Giờ thì Thế giới thật đớn hèn, thật mục ruỗng và yếu ớt, cũ kỹ, tham lam và loạn ngôn; tôi chỉ thấy những con người ngu xuẩn… Quả thật, ngày tận thế đang đến gần… Tất cả đều trở nên thật tồi tệ.)

Cỗ xe chở cỏ hay Quyền lực của đồng tiền

Dưới chế độ phong kiến quyền lực kinh tế được thể hiện dưới dạng sở hữu ruộng đất. Tiền đóng vai trò thứ yếu. Nhưng sự trỗi dậy của thương mại và sản xuất và các quan hệ thị trường bắt đầu chớm nở khiến Tiền có quyền lực còn lớn hơn nữa. Song song với sự giàu có quá mức, cuộc sống của quần chúng là khốn khổ, thô lỗ và ngắn ngủi. Cuộc sống của nông dân dưới chế độ phong kiến cực khổ đến tận cùng ngay cả ở những hoàn cảnh bình thường. Nhưng những hoàn cảnh ở giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến còn xa với trạng thái bình thường.

Sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản – đặc biệt ở Hà Lan nơi nó nảy sinh sớm hơn bất cứ đất nước nào khác trừ nước Ý – được đồng hành cùng những thái độ mới, chúng dần dà được củng cố thành đạo đức mới và niềm tin tôn giáo mới. Liên minh Hanse, với hơn 100 thành phố thương mại, kiểm soát thương nghiệp từ nước Anh tới nước Nga. Những gia tài kếch xù được tạo ra. Nhưng gia tộc ngành ngân hàng như Fugger xuất hiện và thách thức uy lực của những vị vua. Một quyền lực mới xuất hiện, một quyền lực làm tan rã kết cấu xã hội cũ và làm xói mòn các giá trị của xã hội: quyền lực của đồng tiền.

Một tinh thần mới đã lan tỏa – tinh thần của chủ nghĩa trọng vật chất và của chủ nghĩa trọng thương. Nghệ thuật bản thân nó dần trở thành một thứ hàng hóa. Nếu như người nghệ sĩ thành công anh ta có thể giành được cho bản thân sự giàu có và địa vị. Nhưng đại bộ phận chỉ là những nghệ sĩ vô sản hoặc cùng lắm là thợ thủ công.

Trong chùm tranh bộ ba vĩ đại, Cỗ xe chở cỏ (khoảng 1485-90; Prado, Madrid), Bosch phơi bày một thế giới tham lam và bạo lực: ở đây toàn bộ nhân loại chạy theo sau Cỗ xe chở cỏ. Một chiếc xe chất đầy cỏ khô, khắc họa trong bức tranh của Bosch, có lẽ tương tự như hình ảnh của con người ở thế kỷ 15, một biểu tượng của sự tích trữ lương thực cho mùa đông và do vậy là biểu tượng của thịnh vượng. Nhưng ở đây đống cỏ biểu trưng cho quyền lực của sự giàu có và tiền bạc. Nó làm chúng ta nhớ lại câu thành ngữ cổ của người Hà Lan: “De werelt is een hooiberg; elk plukt ervan wat hij kan krijgen” (Thế giới như một đống cỏ và mọi người chộp giật càng nhiều càng tốt). Tất cả nhân loại bị nô lệ vào Cỗ xe chở cỏ, được bảy con quỷ kéo về phía hỏa ngục đang rực cháy ở bức tranh bên phải.

Tiền cảnh của bức tranh là sự hỗn loạn. Mọi người đang đánh lộn nhau để giành một chút từ đống “cỏ”. Ngay trung tâm tiền cảnh một người đàn ông cắt cổ họng một người đàn ông khác để cướp lấy vàng của anh ta. Ai cũng đều sẵn sàng giết người hoặc bị chiếc xe đè nghiến chỉ vì tiền. Ở bên phải, chiếc xe bị kéo đi bởi những loại sinh vật quỷ quái dị thường từ địa ngục chui lên. Một trong số những sinh vật vấy là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một con cá; một sinh vật khác thì một phần là chim, và thứ ba là một người đội mũ chùm đầu với những cành cây đâm ra từ sau lưng.

Ngay cạnh đó, có thể thấy đám người tuôn chảy ra từ một cánh cửa gỗ của một ụ đất. Bản thân Cỗ xe chở cỏ được những người đàn ông và đàn bà bám theo, họ đang cố gắng giành giật cỏ cho đầy tay; họ đánh nhau và ngã xuống phía dưới những bánh xe. Tiền cảnh của bức họa chúng ta thấy hai ni cô đang nhét đầy cỏ vào bao cho một thầy tu, người ấy được minh họa đang điềm tĩnh uống thứ rượu dùng cho lễ ban thánh thể trong khi ông ta theo dõi sự cướp bóc của đám con chiên của ông ta. Một ngụ ý không chỉ ở chỗ Nhà thờ lừa dối dân chúng, mà còn gợi ý sự gian dâm trái phép giữa thầy tu và ni cô. Đây là bức tranh phổ biến của thời đại – và có lý do của nó. Có rất nhiều bê bối liên quan đến Nhà thờ; những tín đồ sùng đạo cảm thấy mình bị bỏ rơi.

Ở thời điểm đó nhà thờ nằm trong số những địa chủ tầm cỡ nhất. Thày tu và thấy tế, dù đã thề thốt làm cứu tế và sống thanh đạm, lại tập trung nhiều vào những tiện nghi vật chất hơn là sống một cuộc đời mộ đạo. Phần lớn của cải của Nhà thờ là thu được từ việc bán phép giải tội – một mẩu giấy hứa hẹn với người mua về sự tự do khỏi tầng Ngục luyện (Purgatory) bằng một khoản tiền đặt cọc nhỏ. Hans Dietz, tên buôn phép giải tội khét tiếng, khoác lác rằng linh hồn sẽ thoát ra khỏi địa ngục mỗi khi những đồng xu kêu loảng xoảng trong túi hắn. Thái độ của Bosch đối với nhà thờ được thể hiện ở sự xuất hiện của các ni cô và thầy tu đang hăm hở tham gia đeo bám Cỗ xe chở cỏ.

Trong bức họa này chỉ có những nhân vật tỏ ra lạnh lùng và hờ hững là những kẻ giàu có trên mặt đất: Ở bên trái bức trung tâm, một hoàng đế, một vị vua, và một giáo hoàng cưỡi ngựa ở phía sau chiếc xe với một khoảng cách khá lớn, thật phi lý khi dùng cả một đoàn tháp tùng cho một cỗ xe chất đầy cỏ khô. Thế nhưng thái độ hững hờ của họ chỉ là giả dối. Lý do duy nhất khiến họ không theo chạy theo chiếc xe là họ đã sở hữu “cỏ” nhiều hơn mức cần thiết – nhưng thực ra họ cũng là những nô lệ dễ bảo và trung thành của “cỏ”, và họ cũng không tránh được việc họ đang tiến về phía Ngày Phán quyết.

Bộ mặt của quỷ dữ

Ở đức nghệ thuật Gothic hậu kỳ bắt đầu phản ánh tinh thần Phục Hưng mới ở Ý. Nhưng trong lúc nghệ thuật ở Ý tràn ngập ánh sáng và niềm hân hoan, thì nghệ thuật ở Đức vào thời gian này lại là bóng đêm, chủ đề thì dữ tợn, cách thể hiện thì kỳ cục. Nghệ thuật ấy bị treo lơ lửng giữa hai thế giới. Nó chứa đựng đặc trưng chuyển tiếp bởi vì nó là đứa con của giai đoạn chuyển tiếp, đang đứng giữa giao lộ của chế độ phong kiến mạt kỳ và chế độ tư bản sơ kỳ.

Bức tranh Ban thờ Isenheim là bức tranh trang trí ban thờ do nghệ sĩ người Đức Matthias Grünewald vẽ năm 1506-1515. Ở đây đóng đinh câu rút được khắc họa một cách tàn nhẫn và buồn bã. Ở đây không có sự an ủi nào, không có cảm giác nào của sự cứu rỗi và của cuộc sống sau khi chết, chỉ có bóng đêm dằng dặc. Những con quỷ xuất hiện phản chiếu chiến thắng của ma quỷ. Đây chính là nghệ thuật của một thời kỳ của sợ hãi và lo âu. Nó xâm nhập vào nơi thâm sâu nhất của tinh thần tập thể trong lúc hỗn loạn khi con người bị bủa vây bởi những lực lượng ma quỷ không thể kiểm soát.

Trong bức tranh The Mocking of Christ, Bosch khắc họa những người đàn ông như những con quỷ, khuôn mặt họ bị biến dạng cùng với những biểu cảm vô nhân tính. Uy quyền được phản chiếu ở nhân vật Pontius Pilate, người được mô tả bằng sự yếm thế cổ hủ và sự đạo đức giả đáng ghê tởm. Chỉ có khuôn mặt con người duy nhất là khuôn mặt của Chúa, người sắp bị hành hình. Ở đây một lần nữa hình ảnh của nhân loại dường như là hình ảnh tiêu cực – đó là hình ảnh của một thế giới đã lâm vào cảnh khốn khổ và tàn lụi, hình ảnh của một nhân loại đã vô phương cứu vãn.

Trong một bức tranh khác Chúa vác cây thánh giá mà ta có thể chiêm ngưỡng ở Bảo tàng Mỹ thuật Ghent, chúng ta thấy một hình ảnh Chúa cô đơn và kiệt sức, bị vây quanh bởi những người với bộ mặt thú vật và quái thai. Những khuôn mặt đàn ông méo mó đến nỗi họ đánh mất tất cả nội dung hay cảm giác nhân tính. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn, chúng ta thấy kết luận như vậy là quá hời hợt. Điều mà Bosch đã trông thấy không phải là nhân loại nói chung mà là một nhóm xã hội đặc biệt. Đó không phải là khuôn mặt của những người nghèo mà là của những lái buôn, những hiệp sĩ và những người có uy quyền khác, trong đó có cả khuôn mặt trống rỗng ma quái của một thầy tu dòng Dominic.

Trong khi những kẻ tội lỗi đang chịu đựng sự tra tấn nơi địa ngục được Bosch khắc họa trong tranh của mình với một lòng trắc ẩn vô tư nào đó, thì đối với những con người này ông bày tỏ sự căm ghét công khai. Đây cũng là một bài học của thời đại của chính chúng ta. Bosch vẽ tranh vào thời kỳ mà các giá trị thị trường và đồng tiền trở thành hiện tượng mới mẻ điều mà mới chỉ gần đây nảy sinh như một thế lực xã hội. Ngày nay chúng ta nói một người “giá trị” bao nhiêu tỷ đô-la mà thậm chí không chút mảy may đắn đo về điều chúng ta đang nói – tức là con người đã trở thành những hàng hóa đơn thuần, những đồ vật để đem bán.

Để bảo vệ quyền lực, của cải và đặc quyền của mình, những người giàu có và quyền lực có khả năng chứng tỏ sự tàn bạo và sự độc ác khủng khiếp. Nhưng khuôn mặt vô nhân tính trong Chúa vác cây thánh giá là những khuôn mặt của sự tham lam và sự thèm khát vô độ mà không thể kiểm soát và sự hư hỏng của tâm hồn nhân loại. Đó là khuôn mặt của những người giàu có và quyền thế – không phải như họ muốn thể hiện bản thân họ mà như bản chất của họ. Bosch lột bỏ một cách không thương tiếc những mặt nạ đang mỉm cười để làm lộ ra con vật xấu xa ẩn nấp phía sau.

Dĩ nhiên, những người ở những vị trí quyền lực thích nhìn thấy bản thân họ ở một ánh sáng khác, như những người hảo tâm của nhân loại, “những người đem lại việc làm”, “những lái trưởng của công nghiệp” và tương tự như thế. Những họa sĩ vẽ chân dung xu nịnh thể hiện họ dưới ánh sáng thuận lợi nhất. Cỗ xe chở cỏ là chìa khóa cho tất cả điều này. Nó là sản phẩm của cái gọi là kinh tế thị trường cái làm đồi bại thế giới và cướp đi tính nhân văn của nó.

Khu vườn lạc thú trần tục

Bảo tàng Prado ở Madrid là nơi trưng bày kiệt tác vĩ đại nhất của Bosch, Khu vườn lạc thú trần tục. Ở đây bi kịch của sự tồn tại nhân loại được thể hiện một cách xuất sắc đến ngoạn mục. Toàn bộ là sự nổi loạn điên rồ của màu sắc và của sự vận động gần như khiến đầu óc quay cuồng. Có những khối chi tiết, hình ảnh và sự sắp đặt bất ngờ đến nỗi không thể nào nắm bắt được tất cả ngay lập tức. Nhưng khi chúng ta tập trung vào từng chi tiết một, chúng ta kinh ngạc trước sự phong phú của những quan điểm nằm trong chi tiết ấy.

Trong Khu vường lạc thú trần tục, chúng ta đối diện với một chủ đề lặp lại của Bosch – sự cám dỗ. Cám dỗ bản thân nó là một mâu thuẫn và là một thể hiện của sự xung đột giữa những xu thế đối kháng. Trái cấm (lạc thú cảm xúc trần tục, hay tội lỗi của xác thịt) được thể hiện bằng trái cây và những phụ nữ đẹp trần truồng – đó là cái đáng thèm muốn nhất của mọi trái cấm. Hình ảnh tương tự có thể tìm thấy ở tác phẩm Cám dỗ của Thánh Anthony (The Temptations of Saint Anthony). Khi xem xét kỹ hơn, những gì Bosch khắc họa không phải là những lạc thú ở trần thế mà là những đau khổ ở địa ngục.

Bức tranh này là một chùm tranh ba bộ (cũng giống như tác phẩm Cỗ xe chở cỏ), nghĩa là nó được chia làm 3 phần. Đây là phong cách điển hình của thời trung cổ, đó là sự ẩn dụ. Nó kể về một câu chuyện. Đúng hơn, nó kể về câu chuyện con người Sa ngã khỏi sự Tao nhã. Từ trái qua phải, nó bắt đầu với Vườn Địa đàng. Nhưng ngay cả ở thiên đường, những hạt giống của tội lỗi cũng đã xuất hiện. Ở đây chúng ta thấy ba con quái vật: một con cá với những bàn tay người và một cái đầu của con vịt giữa chặt một cuốn sách khi nó ngóc lên từ một cái hốc, trong khi ấy một con sư tử đã giết chết con mồi và sắp ngốn ngấu nó. Đài phun của Sự sống mang hình thù kỳ quái nằm ở trung tâm của bức tranh được phủ trên đỉnh bằng một mặt trăng khuyết, một dấu hiện của Ma quỷ, với những liên tưởng đến Hồi giáo và người Thổ.

Thậm chí còn nham hiểm hơn nữa là con cú đang chòng chọc nhìn ra từ một cái lỗ ở dưới đáy của đài phun. Đối với người Athen cổ đại loài chim này được gắn liền với Athena, vị thần của sự thông thái (do vậy người ta hay nói “khôn như cú”), ở thời Trung cổ, loài chim ăn đêm này cùng với tiếng kêu rít báo điềm xấu của nó thì lại gắn liền với ma quỷ. Chim cú bao giờ cũng tái xuất hiện trong các tác phẩm của Bosch.

Bức tranh ở trung tâm thể hiện một toàn cảnh rộng lớn của cuộc sống: những nhân vật khỏa thân, những con vật kỳ quái, những trái cây quá to và quá chín và sự hình thành của đá lai. Những trái dâu khổng lồ mà con người tìm cách nếm trải một cách tuyệt vọng là biểu tượng cho sự cám dỗ ở hình thức rõ ràng nhất – đó là tình dục. Con cá khổng lồ xuất hiện ở mọi phía là biểu tượng dương vật. Trong bức tranh đầu tiên, con người (Adam và Eva) có kích thước lớn hơn những con vật và có tỷ lệ ngang bằng với Jesu (Chúa trời). Nhưng đến đây các kích thước đã bị đảo lộn.

Bức tranh trung tâm có nhiều loài chim trộn lẫn với con người và thậm chí chúng mớm trái cây (trái cấm) cho họ ăn. Ở đây chúng ta thấy một sáng tạo độc đáo đưa chúng ta đến gần với chủ nghĩa siêu thực. Trong đời sống hằng ngày chim chóc nói chung được coi là vô hại. Chúng hấp dẫn chúng ta bởi những bộ lông sặc sỡ và tiếng hót hay. Nhưng lũ chim này là điểm gở và là sự hiện diện của mối hiểm nguy. Kích cỡ của chúng bị thổi phồng và chúng to lớn hơn rất nhiều so với con người. Với đôi mắt chằm chằm lơ đãng và những chiếc mỏ nhọn đầy sức mạnh, chúng dường như đang đe dọa những con người trần truồng và không có khả năng tự vệ đang vây quanh chúng.

Trong Khu vường lạc thú trần tục mối hiểm nguy có mặt ở mọi thang bậc. Bosch đang cảnh báo cho chúng ta về sự phù du của những lạc thú trần thế. Vị ngọt của trái chín mọng sẽ sớm qua đi. Tất cả nhân loại đều đang đâm đầu về một hướng duy nhất và điều đó được chỉ ra ở bức tranh bên phải. Ở đây chúng ta thấy một cảnh địa ngục thực sự, nó khắc họa bằng chi tiết sinh động những nỗi thống khổ của những kẻ bị đày xuống địa ngục.

Những kẻ bị kết tội bị trừng phạt tương xứng với tội lỗi của họ: Những kẻ tham ăn bị kết tội phải nôn ra ngoài hoặc bị Quỷ đầu chim buộc họ tháo thụt chất thải ra. Một người (có thể lúc sống là nhạc công) bị những sợi dây đàn hạc đâm xuyên qua cơ thể, trong khi ấy một người khác bị cây sáo chọc vào hậu môn. Đủ loại quỷ sứ và quái vật kì dị, con nào cũng đầy những thứ thật ác mộng.

Thế nhưng, quái vật kinh hoàng nhất và gây bối rối nhất dưới Địa ngục là Mộc Nhân một người được đặt ở trung tâm của bức tranh. Phần thân mình trống hốc của ông ta, đứng trên một đôi thân cây đang mục nát, bị chọc thủng bởi những cành cây nhọn nhô ra từ chính cơ thể của ông ta. Mộc nhân nhìn chằm chằm ra phía người xem, sự kỳ dị, biểu lộ đăm chiêu của ông ta gợi ý rằng mộc nhân có thể là chân dung tự họa của chính Bosch, người đang buồn bã quan sát một cảnh tượng sụp đổ của nhân loại.

Những mâu thuẫn

Nhưng bức tranh ấn tượng ấy cho thấy sự tương phản cùng cực giữa ánh sáng và bóng đêm, nhưng rồi rốt cuộc bóng đêm bao giờ cũng chiến thắng. Ở đây tất cả ác mộng của thời Trung cổ dồn vào làm một. Đây là hỏa ngục và lưu huỳnh. Đây là sự đày đọa và bóng đêm vĩnh hằng, đây là sự rên xiết và căm hờn.

Trong những bức tranh của Bosch chúng ta bị lôi cuốn bởi những cảm xúc mạnh mẽ của sự mâu thuẫn. Chúng ta không chỉ thấy xung đột đau đớn của những xu thế không thể dung hợp: chúng ta cảm thấy nó, sờ thấy nó, nghe thấy nó và ngửi thấy nó. Hình ảnh quá sống động đến nỗi nó nhảy ra khỏi bức tranh và chộp lấy cổ bạn. Nhiều lần nó khơi gợi nghệ thuật của chủ nghĩa siêu thực – một sản phẩm của bối cảnh xã hội tương tự. Có cùng những mâu thuẫn nền tảng, được thể hiện trong một sự sắp đặt quyết đoán.

Bosch khắc họa một giai đoạn mà ông sống trong đó và phản chiếu nó như một tấm gương. Đó là địa ngục trần gian. Nhưng đối với đại đa số người, thế kỷ 15 đã là một loại địa ngục trần gian. Có một sự sâu sắc vĩ đại ở đây. Như mọi nghệ thuật vĩ đại, nó không dừng lại ở lớp bề mặt mà đâm xuyên vào phần sâu thẳm nhất của tinh thần nhân loại, lôi tất cả giấc mộng và ác mộng thầm kín của nó lên trên bền mặt. Ở đây nghệ thuật phỏng theo cuộc sống.

Ở một thế giới mà nhiều người trở nên đói khát, chúng ta chứng kiến những cảnh tượng tham tham ăn kinh hoàng. Đây cũng là sự bất bình đẳng lớn giữa người giàu và người nghèo, của bất bình đẳng và bất công đang tồn tại trong thời đại của chúng ta. Không thể khắc phục bất công rành rành trong thực tế, Bosch trừng phạt họ trong hội họa. Nỗi thống khổ của những người bị đày xuống địa ngục gần như tương xứng với bản chất tội lỗi của họ: những người đàn bà phóng đãng và kiêu ngạo bị giao cấu với ếch và thằn lằn những con vật bám chặt vào những chỗ kín của họ. Đây là sự thể hiện của thái độ ghét phụ nữ của thế giới quan Ki-tô giáo theo đó Tội tổ tông là sự phát minh ra người mẹ chung Eva. Những nhạc công bị hành xác bởi chính những nhạc cụ đã bị biến thành những công cụ tra tấn, v.v..

Nguồn cảm hứng nghệ thuật từ những tưởng tượng ấy có gốc rễ từ quá khứ trung cổ, mặc dầu nó dường như hiện đại một cách ấn tượng. Có thể tìm thấy những hình thù kỳ dị của quỷ sứ và những kẻ tội lỗi trên những bức tường của nhà thờ – như những cái miệng máng xối v.v.. Đây thực sự là phần sống động nhất của loại nghệ thuật cổ này. Nhưng cho đến nay nó đảm nhận một vai phụ, trong khi ấy ở đây nó tiến lên phía trước và giành lấy cuộc đời của riêng nó.

Cải cách và phản-cải cách

Cuối cùng thần chết đã đuổi kịp Bosch tại quê hương ông ở ’s-Hertogenbosch vào năm 1516. Một năm sau, mục sư trẻ tên là Martin Luther tiến đến nhà thờ ở Wittenberg và đóng 95 luận đề lên cánh cửa. Cuộc nổi dậy của tư sản chống chế độ phong kiến đã tìm thấy cách thể hiện đầu tiên của nó, điều không thể tránh khỏi, ở phản kháng tôn giáo. Đạo Tin lành ở tận cùng thể hiện thế giới quan và lợi ích tư sản. Trật tự phong kiến cũ tìm thấy nơi dẫn dắt cuồng đạo nhất ở Ki-tô giáo Tây Ban Nha.

Cả châu Âu giờ đây đứng trên bờ vực của một thời kỳ cách mạng và phản cách mạng che dấu bằng những cuộc chiến tranh tôn giáo. Châu Âu chuẩn bị bước vào Vũ điệu Tử thần kéo dài ba thập kỷ. Ngọn lửa bùng cháy trong cảnh địa ngục đau khổ của Bosch đã hoành hành ở các thành phố ở Hà Lan, Đức và Bohemia. Không có nơi nào mà chiến tranh tôn giáo lại diễn ra tàn khốc hơn ở quê hương của Hieronymus Bosch, nơi cách mạng tư sản lần thứ nhất trong lịch sử nhân loại thể hiện như một cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc của Hà Lan chống Tây Ban Nha.

Những khổ đau tồi tệ được Bosch khắc họa tương tự như những gì Tòa án dị giáo Tây Ban Nha nhân danh tôn giáo đã thực sự gây ra cho thân thể của những con người bất lực. Sau khi Bá tước xứ Alba độc ác nghiền nát cuộc nổi dậy đầu tiên của những người Tin lành Hà Lan trong bể máu, nhiều tác phẩm lừng danh của Bosch đã được mang về Tây Ban Nha. Vua Phillip Đệ nhị, một một Ki-tô hữu cuồng tín và lãnh đạo của chiến dịch chống đạo Tin lành, là một người ngưỡng mộ Bosch một cách nhiệt thành và đã mua hoặc tịch thu tất cả tác phẩm của Bosch để ông ta có thể chạm tay lên chúng. Ông ta giấu chúng ở cung điện Escorial, một nơi có sự trộn lẫn kỳ lạ giữa tu viện và trung tâm quyền lực của đế chế.

Một chiếc bàn mà Bosch vẽ với mô típ về chủ đề Bảy mối tội đầu mà ông đặt trong phòng ngủ của ông và nó vẫn còn ở đó khi ông chết. Nó mang theo một lời cảnh báo bí ẩn: “Hãy coi trừng, Chúa trông thấy”. Nhưng chúng ta có thể nghi ngờ rằng Philip không nhìn thấy gì hết. Ông ta không hiểu Bosch cũng như không hiểu những bức tranh của Bosch, những bức tranh chứa đựng sự phản đối kịch liệt đối với Nhà thờ La mã cùng những việc làm đồi bại của nó, như ở bức tranh không thể nào quên về một con lợn lái đội mũ trùm đầu của ni cô, đang cưỡng bức một người đàn ông ký vào một văn bản – có lẽ ký để trao tài sản thế tục cho Nhà thờ. Những bức tranh ấy chứa đựng sự miêu tả chân thực về sự suy đồi đạo đức và sự thối rữa từ bên trong của Nhà thờ.

Với sự trùng hợp kỳ lạ của lịch sử, tác phẩm của Bosch lại được lãnh đạo của phe Phản-cải cách nồng nhiệt đón nhận, như Fray Jose de Sigüenza hội viên hội đồng tinh thần của Vua Philip. Thực tế không có một bức tranh nào về thầy tu hay ni cô nào trong tất cả các tác phẩm hội họa của Bosch mà ở đó họ được thể hiện dưới ánh sáng thuận lợi. Nếu như Bosch đã dọn đường cho cái gì đó thì đó là lật đổ Nhà thờ, chứ không phải bảo vệ nó. Thậm chí người ta có thể nói rằng Luther mang lại diễn đạt nhất quán cho những quan niệm không nhất quán mà Bosch diễn đạt trong nghệ thuật. Theo nghĩa đó nghệ thuật báo hiệu lịch sử

Một vài chuyên gia thậm chí còn gợi ý rằng Bosch là thành viên của một trong vô vàn những phái dị giáo và chống đối mọc lên như nấm sau mưa vào thời gian ấy. Wilhelm Fraenger cố gắng chứng minh rằng ông là thành viên của giáo phái chống đối – Adamites. Họ gọi nhau là người anh và người chị, và phụ nữ giữ vị trí nổi bật trong phái. Họ ca ngợi cây cối và lạc thú của thiên đàng. Họ cùng nhau hành lễ trong tình trạng khỏa thân, như Adam và Eva trước khi Sa ngã. Đây là một tư tưởng cách mạng, một sự thai nghén chủ nghĩa quân bình. Fraenger cho rằng tranh của Bosch là dựa trên những nghi lễ Adamite. Tuy nhiên, một số người khác phản đối điều đó, và không có một bằng chứng thực sự nào cho khẳng định ấy.

Xưa và nay

Có thể thấy Bosch là họa sĩ cuối cùng của thời Trung cổ. Nói về nghệ thuật thời kỳ ấy, Walter Bosin đã viết: “Thời kỳ Trung cổ đang chết đã cháy sáng rực rỡ trước khi chết đi vĩnh viễn”3. Nhưng nghệ thuật ấy dường như không hề trung cổ đối với chúng ta. Nó nói dõng dạc và rành rọt tới chúng ta. Thế nhưng phong cách và kỹ thuật của ông là hiện đại đến kinh nhạc. Nghệ thuật ấy phải làm gì đó với thông điệp ẩn chứa bên trong. Đây chính là nghệ thuật khí có điều gì đó để mà nói. Nó nhìn vào thực tại mà không chút sợ hãi và đòi hỏi chúng ta phải phán quyết thực tại ấy. Thật là một tương phản đối so với sự vô lý cằn cỗi của nghệ thuật hôm nay!

Bosch vẽ tranh vào thời kỳ chủ nghĩa tư bản đang trong giai đoạn khởi đầu. Kỷ nguyên anh hùng của nó đã vẫn còn là tương lai. Điều đó đã rơi ra ngoài tầm nhìn của Bosch. Tất cả những gì ông có thể thấy là những triệu chứng rõ ràng của một xã hội đang trong giai đoạn suy thoái cuối cùng. Bất cứ khi nào một hệ thống kinh tế-xã hội nào đó đã kiệt quệ tiềm năng của nó, chúng ta chứng kiến những triệu chứng giống nhau: khủng hoảng kinh tế, chiến tranh và xung đột nội bộ, đạo đức suy đồi và khủng hoảng tư tưởng, phản chiếu ở sự sụp đổ niềm tin vào tôn giáo và đạo lý cũ, song hành với sự xất hiện của những xu hướng phi lý trí và thần bí, một cảm giác phổ biến của sự bi quan và thiếu tự tin vào tương lai, sự sa sút của nghệ thuật và văn hóa.

Đó là những tương lai mà người ta ắt sẽ tìm thấy ở một xã hội đã cạn kiệt vai trò tiến bộ của nó và không thể phát triển lực lượng sản xuất như nó đã làm được trong quá khứ. Trong mọi trường hợp, xuất hiện một linh cảm “ngày tận thế đang đến gần”. Ở Roma cổ đại niềm tin đó tìm thấy sự phản chiếu của nó ở Ki-tô giáo, một tôn giáo dạy rằng thế giới sắp kết thúc trong những ngọn lửa từ ngày này sang ngày khác. Trong giai đoạn suy thoái của chế độ phong kiến, những phái hành xác tuần hành khắp các thị trấn và làng mạc và dự đoán ngày tận thế. Ở cả hai trường hợp, cái đang đến gần không phải là sự kết thúc của thế giới mà là sự kết thúc của một hệ thống kinh tế-xã hội (nô lệ, phong kiến).

Giờ đây, khi thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 kết thúc, rõ ràng là CNTB đã lâm vào giai đoạn suy thoái cuối cùng.

Thế giới của Hieronymus Bosch có nhiều điểm chung với thế giới của chúng ta. Thế giới của đầu thế kỷ 21 là thế giới của bất an, bạo lực và hỗn loạn. Đó là thế giới của Ngày 11 Tháng Chín và của sự cưỡng đoạt Iraq và Afghanistan. Chúng ta sống trong một thế giới mà nhân loại bị tàn lụi bởi chiến tranh, nạn đói và khổ đau song song với sự giàu có và phô trương ghê tởm nhất.

Sự ốm yếu của hệ thống được phơi bày ở mọi cấp độ. Năm thế kỷ sau, Cỗ xe chở cỏ vẫn tiếp tục lăn bánh, nghiền nát con người dưới bánh xe nặng nề của nó. Sự tha hóa của tư bản và sự chủ nghĩa bái vật hàng hóa đã trở thành một phần trong tinh tần của chúng ta đến nỗi chúng ta thậm chí không còn nhận ra nó. Cần phải có một nghệ sĩ có tầm vóc như Bosch để đưa những tổn hại bị che dấu tận đáy sâu lên lớp bền mặt của nhận thức của chúng ta.

Chưa lúc nào trong lịch sử, sự thống trị của Đồng tiền lại vững chắc như trong thời đại của chúng ta. Con người bị thoái hóa xuống mức đồ vật rồi những đồ vật vô tri vô giác lại giành được những phẩm chất con người. Trong quá trình ấy nhân loại bị mất đi phẩm giá, bị bần cùng hóa và bị hủy diệt. Người ta có thể tìm thấy những khuôn mặt vô cảm, vô nhân tính bị biến dạng cùng với sự hám lợi và tham lam như xuất hiện trong những bức tranh của Bosch, ở những sàn giao dịch của sở giao dịch chứng khoán, ở những sòng bạc khổng lồ, đó là những nơi mà cuộc sống của hàng triệu người được quyết định bởi những biến động rối loạn của thị trường.

Cảnh tượng ác mộng của Bosch không cách xa lắm tình trạng của chính thời đại chúng ta, ngoại trừ một việc là thay cho những bức tranh, chúng ta có thể thấy những hình ảnh kinh hoàng mỗi tối trên màn hình tivi của chúng ta. Nhưng người ta lại không tìm thấy được điều đó ở thể hiện thực sự của nghệ thuật đương thời. Bốn triệu người đàn ông, đàn bà và trẻ em đã bị tàn sát trong những cuộc nội chiến ở Congo, và tác phẩm mà người nghệ sĩ tài ba nhất trong số những nghệ sĩ ở nước Anh có thể tạo ra là hình ảnh một chiếc giường không được dọn dẹp.

Tại sao con người bao giờ cũng nhìn trở lại quá khứ, đăm chiêu ngưỡng mộ nghệ thuật vĩ đại của quá khứ? Đó là bởi vì nghệ thuật đã không còn điều gì có ý nghĩa để mà nói. Pablo Picasso tạo ra kiệt tác Guernica để đáp lại cuộc Nội chiến ở Tây Ban Nha. Goya tạo ra Thảm họa của Chiến tranh như một lời bình xét và phán quyết đối với những kinh hoàng trong thời đại của mình. Nhưng ngày nay ngay cả những con cá mập cũng phải được thể hiện tới chúng ta trong tình trạng đã chết và được ngâm trong dung dịch pho-man-đê-hít.

Đó là thứ nghệ thuật mà bản thân nó đã bị tiệt trùng và bị ướp trong lồng kính. Lần đầu tiên sau hàng thế kỷ, nghệ thuật chẳng có gì để nói cho chúng ta về thế giới mà chúng ta sống. Nó đã trở thành tài sản của một nhóm nhỏ bé của những kẻ tìm kiếm lợi nhuận và những nhà thẩm mỹ xa rời với thực tại và cuộc sống. Nếu nghệ thuật thể hiện sự thờ ơ trước cuộc sống thực tại và thờ ơ trước những mối quan tâm của con người, thì không hề ngạc nhiên khi con người thể hiện sự thờ ơ hoàn toàn trước nghệ thuật.

Thời đại của chúng ta cần một Hieronymus Bosch cho riêng mình để dương một tấm gương trước mặt nó và chỉ nó thấy nó thực ra sao. Đâu đó ở ngoài kia phải tồn tại những nghệ sĩ như vậy, nhưng tiếng nói của họ không được lắng nghe. Những tiếng nói ấy bị chìm đắm vào lễ hội kiếm tiền ồn ào cái đang thống trị nghệ thuật cũng như thống trị phần còn lại của xã hội. Sớm muộn tiếng nói đích thực của nghệ thuật, một tiếng nói trung thực và dũng cảm, sẽ khiến bản thân nó được lắng nghe, và cả nhân loại sẽ đẹp đẽ hơn vì nghệ thuật ấy.

London, 23 Tháng 12, 2010

Tham khảo

Marx, Karl, và Friedrich Engels. 1980. Tuyển tập. Vol 1. Hà Nội: NXB Sự thật.

 
 
 
 
 
 

Join us

If you want more information about joining the IMT, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.