Ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười Nga

“Cách mạng Tháng Mười đã đặt nền móng cho văn hóa mới, thu hút vào nó mọi ánh nhìn, và do đó, ngay lập tức nó có được ý nghĩa quốc tế. Ngay cả giả như, trong một khoảnh khắc nào đó mà do hoàn cảnh bất lợi và những đòn tấn công của kẻ thù, chế độ Xô Viết tạm thời bị lật đổ, thì ấn tượng khó phai mờ về cuộc cách mạng tháng Mười vẫn sẽ tồn tại trong toàn bộ tiến trình phát triển của nhân loại trong tương lai.” Leon Trotsky – Lịch sử Cách mạng Nga


[Source]

Cách đây 75 năm vào tháng này, một sự kiện đã diễn ra làm thay đổi toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại. Lần đầu tiên – nếu loại trừ giai đoạn ngắn ngủi nhưng vẻ vang của Công xã Pa-ri – nhân dân lao động đã nắm chính quyền về tay mình và bắt đầu nhiệm vụ to lớn là tái thiết xã hội xã hội chủ nghĩa.

Giờ đây, vào đêm trước của ngày kỷ niệm trọng đại này, quần chúng Liên Xô cũ đang phải đối mặt với bóng ma phản cách mạng của chủ nghĩa tư bản. Giữa bối cảnh kinh hoàng của sự hỗn loạn cả về kinh tế và xã hội, tất cả các thế lực đen tối vốn đã bị quét sạch từ lâu bởi thủy triều cách mạng giờ đang quay trở lại: Tài sản tư nhân, đầu cơ, nhà thờ Chính thống, phân biệt chủng tộc, dân tộc chủ nghĩa, những tệ nạn xã hội, mại dâm, thất nghiệp và bất bình đẳng – chúng giống như một bầy côn trùng kỳ dị và độc hại chui lên từ dưới một phiến đá.

Truyền thông phương Tây ca ngợi nó là “bình minh mới”. Những kẻ đã xem những điều quái dị như vậy là một “sự tiến bộ” thì còn điều gì họ không dám làm. Không có lời nói dối nào là quá lớn đối với họ, không có sự xuyên tạc nào quá thấp hèn. Và trận lở đất của những lời nói dối đã bắt đầu.

Để biện minh cho hệ thống tư bản chủ nghĩa thì cần phải bôi đen tên gọi của chủ nghĩa xã hội, và đặc biệt là chủ nghĩa xã hội khoa học, như đã được thể hiện trong tư tưởng của Marx, Engels, Lenin và Trotsky. Trên hết, cần phải chứng tỏ rằng cách mạng là một điều tồi tệ, rằng nó thể hiện sự lệch lạc khủng khiếp so với những “chuẩn mực” của diễn biến hoà bình trong xã hội, mà tất yếu sẽ kết thúc bằng thảm họa.

Cách đây không lâu, chúng ta đã tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm cách mạng Pháp. Bất chấp thực tế đây là một cuộc cách mạng tư sản, bất chấp nó đã xảy ra cách đây hai thế kỷ, thì giai cấp thống trị ở Pháp cũng như các nơi khác vẫn không thể không bôi nhọ ký ức về những năm 1789-93. Ngay cả một sự kiện lịch sử xa xôi như vậy cũng là một lời nhắc nhở khó chịu đối với những kẻ giàu có và quyền lực, lời nhắc về những gì sẽ xảy ra khi một hệ thống kinh tế xã hội nhất định đạt đến giới hạn của nó. Họ thậm chí còn đề xuất thay đổi những ngôn từ khủng khiếp trong “Marseillaise”!

Các cuộc cách mạng xảy đến không phải là ngẫu nhiên. Một cuộc cách mạng trở thành tất yếu khi một hình thái xã hội cụ thể đi vào mâu thuẫn với sự phát triển của lực lượng sản xuất, vốn là cơ sở của mọi tiến bộ của loài người.

Một trong những cuốn sách vĩ đại nhất của thế kỷ XX là Lịch sử Cách mạng Nga của Leon Trotsky, chưa nghiên cứu hoành tráng nào về sự kiện năm 1917 có thể sánh bằng. Đó là một ví dụ nổi bật về việc sử dụng phương pháp của chủ nghĩa duy vật lịch sử để làm sáng tỏ các quá trình mà theo đó xã hội vận hành. Các sự kiện dẫn đến tháng 10 không chỉ được kể lại, mà còn được giải thích theo cách có giá trị ứng dụng sâu rộng hơn nhiều so với bản thân Cách mạng Nga.

Trong một nỗ lực nhằm làm mất uy tín của Cách mạng Tháng Mười, giai cấp thống trị, thông qua những tên lính đánh thuê trong các trường Đại học, đã cố tình nuôi dưỡng huyền thoại rằng Cách mạng Bolshevik chỉ là một “cuộc đảo chính” do Lenin và một số ít những kẻ chủ mưu.

Sự can thiệp của quần chúng

Trên thực tế, như Trotsky giải thích, bản chất của một cuộc cách mạng là sự can thiệp trực tiếp của quần chúng vào đời sống xã hội và chính trị. Trong những thời điểm “bình thường”, đa số người dân bằng lòng với việc để công việc điều hành xã hội nằm trong tay các “chuyên gia” – các nghị sĩ, ủy viên hội đồng, luật sư, nhà báo, quan chức công đoàn, giáo sư đại học v.v..

Trong một khoảng thời gian, có thể là một khoảng thời gian kéo dài hàng năm hoặc thậm chí hàng thập kỷ, xã hội có thể có được sự xuất hiện của một “trạng thái cân bằng” nhất định. Điều này đặc biệt đúng trong thời kỳ kinh tế tư bản đi lên kéo dài, giống như thời kỳ kéo dài gần bốn thập kỷ sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Trong những giai đoạn như vậy, những ý tưởng của chủ nghĩa Marx không dễ dàng được chấp nhận hoặc hiểu được, bởi vì chúng dường như lơ lửng trên không khi đối mặt với cái gọi là “sự thật”. Ngược lại, ảo tưởng của các nhà lãnh đạo cải cách của Lao động về một sự thay đổi chầm chậm, dần dần, mang tính tiến hóa – “hôm nay tốt hơn hôm qua, và ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay” – có được một lượng khán giả đông đảo.

Tuy nhiên, bên dưới bề mặt dường như yên tĩnh, các dòng chảy mạnh đang hình thành. Sự bất mãn và thất vọng dần dần tích tụ trong quần chúng, và sự bất ổn ngày càng tăng trong các tầng lớp trung lưu của xã hội. Điều này được đặc biệt cảm nhận rõ bởi giới trí thức và sinh viên, một phong vũ biểu nhạy cảm phản ánh những thay đổi tâm trạng trong xã hội.

Trotsky có một cụm từ đắt giá liên quan tới điều này, “quá trình phân tử hoá cách mạng” diễn ra liên tục trong tâm trí người lao động. Dầu vậy, vì quá trình này diễn ra một cách dần dần mà không ảnh hưởng đến tâm lý chính trị chung của toàn xã hội nên mọi người thiếu chú ý vào nó, ngoại trừ những người theo chủ nghĩa Marx.

Tương tự, mặt đất dưới chân chúng ta dường như là vững chắc và không gì lay chuyển được (“vững chắc như một tảng đá”, chúng ta thường nói vậy). Nhưng môn khoa học địa chất lại dạy chúng ta rằng, đá không đồng nghĩa với ổn định và mặt đất liên tục dịch chuyển bên dưới chân chúng ta. Các lục địa đang di chuyển, và ở trong một tình trạng “chiến tranh” thường trực, bên này va vào bên kia, chồng lấn lên nhau. Vì sự thay đổi địa chất không được đo bằng năm hoặc thậm chí hàng thế kỷ, mà là các niên kỷ, nên sự thay đổi này ngoại trừ các chuyên gia chẳng mấy ai để ý. Tuy nhiên, sự hình thành các đường đứt gãy do chịu những áp lực không thể tưởng tượng được, cuối cùng đã tạo ra trận động đất.

Chiến tranh và cách mạng

Ngay cả trong các xã hội có trật tự tốt nhất các đường như vậy cũng tồn tại. Sự bùng nổ đột ngột của các cuộc chiến và các cuộc cách mạng tuân theo các quy luật gần giống như động đất, và cũng không thể tránh khỏi. “Mọi thứ không thể tiếp tục như thế này nữa”, khi nhiều người bắt đầu quyết định như vậy thì thời điểm đó chắc chắn sẽ đến. Khi đa số bắt đầu tự mình nắm lấy cuộc đời và vận mệnh của mình, sự đổ vỡ xảy ra. Đây, và không gì khác, là nội hàm của một cuộc cách mạng.

Đối với giới học thuật trong nhung lụa, một cuộc cách mạng là một thứ gì đó sai lệch, một sự “quái đản”, một sự sai lệch so với cái gọi là chuẩn mực. Xã hội tạm thời trở nên “điên loạn” cho đến khi “trật tự” cuối cùng sẽ được khôi phục. Đối với một tâm lý như vậy thì hình ảnh tinh thần thỏa đáng nhất về một cuộc cách mạng là hình ảnh một bầy người mù đột nhiên hoảng hốt, hoặc tốt hơn nữa, là một âm mưu được ấp ủ bởi lũ ma quỷ.

Trên thực tế, những thay đổi tâm lý, xảy ra cực kỳ đột ngột trong bất kỳ cuộc cách mạng nào, không phải là ngẫu nhiên mà bắt nguồn từ toàn bộ giai đoạn trước đó.

Nói chung, tâm trí con người không phải là cách mạng mà là bảo thủ. Miễn là các điều kiện nói chung có thể chấp nhận được, mọi người có xu hướng chấp nhận hiện trạng của các vấn đề trong xã hội. Ý thức có xu hướng tụt hậu xa hơn nhiều so với những thay đổi khách quan diễn ra trong thế giới của nền kinh tế và xã hội.

Chỉ trong phương án cuối cùng, khi không có giải pháp thay thế, đa số mới quyết định lựa chọn phá vỡ trật tự hiện hành. Rất lâu trước khi điều này xảy ra, họ sẽ cố gắng bằng mọi cách để thích nghi, thỏa hiệp, tìm kiếm trong ảo tưởng “một đường lối ít kháng cự nhất”. Đó là bí mật của sức hấp dẫn từ chính trị cải cách, đặc biệt là trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản đang trỗi dậy, nhưng không phải là duy nhất.

Cách mạng Tháng Mười là sản phẩm của toàn bộ thời kỳ trước đó. Trước khi cuối cùng đã lựa chọn những người Bolshevik, công nhân và nông dân Nga đã trải qua kinh nghiệm của hai cuộc cách mạng (cách mạng 1905 và cách mạng tháng 2 năm 1917) cũng như hai cuộc chiến tranh (1904-5 và 1914-17).

Nước Nga thời Sa hoàng, được đánh giá là một trong những nước đế quốc với quân đội hùng mạnh nhưng lại lạc hậu về kinh tế. Theo quy luật phát triển kết hợp và không đồng đều, công nghiệp quy mô lớn đã được thành lập ở một số trung tâm (chủ yếu là Moscow, St.Petersburg, khu vực phía Tây, Urals và Donbass) do đầu tư của phương Tây. Dẫu vậy, đại bộ phận dân cư vẫn là nông dân, những người còn chìm trong điều kiện lạc hậu gần như thời trung cổ. Theo nhiều khía cạnh, thành phần xã hội của nước Nga Sa hoàng tương tự như thành phần xã hội của nhiều nước thuộc Thế giới thứ ba ngày nay.

Mặc dù chiếm số ít về dân số giai cấp công nhân Nga đã đặt dấu ấn của mình vào các sự kiện từ rất sớm. Trong làn sóng tấn công như vũ bão của những năm 1890, nó đã công bố sự tồn tại của mình trước toàn thế giới. Từ thời điểm đó, “vấn đề lao động” đã chiếm một vị trí trung tâm trong nền chính trị Nga.

Sự phát triển như vũ bão của công nghiệp trong những năm đầu thế kỷ này đã kéo theo sự lớn mạnh nhanh chóng của giai cấp công nhân. Không giống như ở Anh, nơi mà chủ nghĩa tư bản trải qua một tốc độ phát triển chậm, dần dần và hữu cơ trong 200 năm, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga đã kéo dài chỉ trong một vài thập kỷ.

Cũng nhờ vậy mà nền công nghiệp Nga đã không phải tiến lên từ giai đoạn thủ công, tiểu thủ công nghiệp mà chuyển ngay sang các xí nghiệp quy mô lớn. Các nhà máy khổng lồ được thành lập với những kỹ nghệ hiện đại nhất được nhập khẩu từ Anh, Đức và Mỹ. Cùng với công nghệ hiện đại nhất được du nhập từ phương Tây là sự ra đời của những tư tưởng hiện đại và tiên tiến nhất của chủ nghĩa xã hội.

Từ những năm 1890 trở đi, chủ nghĩa Marx đã thành công trong việc thay thế khuynh hướng xã hội chủ nghĩa không tưởng và khủng bố cũ của chủ nghĩa Narodnik để trở thành khuynh hướng thống trị trong phong trào công nhân.

Narodniks

Những nhà phê bình tinh vi hơn đối với chủ nghĩa Bôn-sê-vích cố gắng phân biệt giữa chủ nghĩa Marx ở “phương Tây” văn minh với chủ nghĩa Lenin thô bạo, man rợ, một sản phẩm được cho là bởi sự lạc hậu của nước Nga.

Trên thực tế, có rất ít hoặc không có đặc điểm cụ thể nào của Nga phảng phất trong những ý tưởng của Lenin, người đã dành cả cuộc đời không mệt mỏi để chiến đấu chống lại Narodnik vì “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của họ”.

Cả Lenin và Trotsky đều cống hiến cả cuộc đời mình để bảo vệ chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa. Ý tưởng của họ không thể được coi là “chất Nga” hơn những ý tưởng của Marx được miêu tả như là “chất Đức”. Lenin và Trotsky đã phát triển và mở rộng chủ nghĩa Marx nhưng vẫn bảo vệ những ý tưởng và nguyên tắc cơ bản do Marx và Engels đưa ra từ năm 1848 trở đi.

Bài kiểm tra tuyệt vời đầu tiên đối với những người theo chủ nghĩa Marx Nga diễn ra vào năm 1905.

Cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc được đẩy lên hàng đầu bởi cuộc chiến tranh Nga-Nhật, điều đã kết thúc bằng một thảm họa quân sự. Vào ngày 9 tháng 1 năm 1905, những người dân lao động ở St.Petersburg cùng với gia đình đã tập hợp để biểu tình ôn hòa trên quảng trường cung điện Mùa đông. Mục đích của họ là trình một bản kiến ​​nghị lên “người cha nhỏ” Sa hoàng.

Phần lớn những người lao động này, hầu hết chỉ vừa mới rời khỏi các làng xã cách đây không lâu, họ không chỉ sùng đạo mà còn theo chủ nghĩa quân chủ. Những người theo chủ nghĩa Marxist (hay Đảng Dân chủ Xã hội, như họ được gọi lúc đó) có lực lượng rất nhỏ, bị chia rẽ giữa những người Bolshevik và Menshevik. Khi họ cố gắng phát tờ rơi tố cáo chế độ quân chủ ở một số nơi, công nhân đã xé tờ rơi và thậm chí đánh đập họ.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng chín tháng, cũng chính những người lao động đã tổ chức một cuộc tổng bãi công cách mạng và Xô Viết, và vào cuối năm đó, công nhân ở Mátxcơva đã nổi dậy vũ trang.

Ở tất cả các trung tâm đô thị, Đảng Dân chủ Xã hội trở thành một lực lượng quyết định. Cuộc cách mạng năm 1905 bị thất bại chính vì phong trào ở nông thôn chỉ tiến hành sau khi công nhân ở các thành thị đã thất bại.

Trong một số năm (1907-11), nước Nga chìm trong đêm đen phản động. Tuy nhiên, đến năm 1911-12, có một sự khởi đầu mới, được đặc trưng bởi một làn sóng tấn công lớn (một phần phản ánh sự đi lên của nền kinh tế), bắt đầu từ các nhu cầu kinh tế nó đã nhanh chóng mang tính chất chính trị.

Trong thời kỳ này, những người Bolshevik đã giành được đa số quyết định trong giai cấp công nhân có tổ chức. Họ đoạn tuyệt với phe cơ hội Menshevik vào năm 1912 và thành lập Đảng Bolshevik.

Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng những người Bolshevik và Menshevik vẫn coi mình là các xu hướng trong đảng quần chúng truyền thống hiện có của công nhân – đảng RSDLP (Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga), và thậm chí sau năm 1912, những người Bolshevik vẫn tự gọi mình là RSDLP (B).

Chiến tranh thế giới thứ nhất

Vào đêm trước của Chiến tranh thế giới thứ nhất, một lần nữa nước Nga đứng bên bờ vực của cuộc cách mạng. Có thể những người Bolshevik đã lên nắm quyền sau đó, nhưng tình hình đã bị cắt ngang bởi sự bùng nổ của chiến tranh vào tháng 8 năm 1914. Trong chiến tranh, đảng Bolshevik đã gần như bị tiêu diệt bởi những vụ bắt bớ và lưu đày. Thanh niên, vốn là con đường tuyển mộ chính của đảng, đã bị gọi nhập ngũ, quân đội là nơi mà thành phần công nhân nằm rải rác trong một biển người của những nông dân lạc hậu.

Trong thời gian sống lưu vong, Lenin đã tiếp xúc chỉ với khoảng vài chục người cộng tác viên. Năm 1915, tại Hội nghị của những người theo chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa ở Zimmerwald, Lenin đã nói đùa rằng bạn có thể đặt tất cả những người theo chủ nghĩa quốc tế trên thế giới vào chỉ hai lớp huấn luyện.

Tại một cuộc họp của những người theo chủ nghĩa xã hội trẻ ở Thụy Sĩ vào tháng 1 năm 1917, Lenin đã nói rằng có lẽ ông sẽ không sống cho đến khi chứng kiến ​​được cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng chỉ trong vòng vài tuần, sa hoàng đã bị lật đổ và vào cuối năm đó, Lenin đã đứng đầu chính phủ công nhân đầu tiên trên thế giới.

Làm thế nào để giải thích một sự chuyển biến đầy kịch tính như vậy? Các nhà sử học tầm thường lý giải cuộc cách mạng như là sản phẩm của sự khốn cùng. Điều đó một chiều và sai lầm. Nếu điều đó là đúng thì như Trotsky giải thích, quần chúng ở một quốc gia như Ấn Độ sẽ luôn nổi dậy. Thắng lợi của phản động trong giai đoạn 1907-11 được tạo điều kiện thuận lợi bởi cuộc khủng hoảng kinh tế, xảy ra sau một thất bại chính trị, tạm thời làm công nhân choáng váng và mất phương hướng. Như Trotsky đã dự đoán, phải chờ một cuộc phục hưng về kinh tế (1911-12) để cho phép phong trào phục hồi.

Bùng nổ và sụt giảm

Trên thực tế, không phải bùng nổ hay sụt giảm tự nó gây ra các cuộc cách mạng. Mà chính việc diễn ra liên tiếp, nhanh chóng của sự bùng nổ và sụt giảm, sự gián đoạn của mô hình tồn tại “bình thường”, nói chung đã gây ra sự không chắc chắn và bất ổn, buộc người ta phải đặt dấu chấm hỏi về hiện trạng của mọi thứ. Sâu xa hơn nữa là những cơn địa chấn gây ra bởi chiến tranh, thế giới bị đảo lộn và hàng triệu sinh mạng bị cướp đi, chúng đã buộc đàn ông cũng như phụ nữ phải rũ bỏ những ảo tưởng và đối mặt với thực tế.

Cách mạng tháng Hai là một biểu hiện cụ thể cho thấy chế độ cũ đã đi vào bế tắc. Như vào năm 1904-5, đòn búa tạ của thất bại quân sự đã vạch trần sự thối nát bên trong của xã hội.

Nhưng phơi bày là một chuyện nguyên nhân lại là chuyện khác. Cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính quốc tế và sự sụt giảm của đồng bảng Anh gần đây đã cho thấy sự suy yếu kinh niên của nền kinh tế Anh. Nhưng sự suy tàn của chủ nghĩa tư bản Anh đã diễn ra dần dần trong khoảng thời gian hàng thập kỷ, được ngụy trang bởi sự đi lên chung của nền kinh tế thế giới. Điều này đã được các nhà Marxist giải thích từ nhiều thập kỷ trước. Sự khác biệt bây giờ là, dưới áp lực không ngừng của cuộc khủng hoảng tư bản thế giới, quần chúng nhân dân Anh đang bắt đầu thức tỉnh trước thực tế.

Bắt đầu ngay cả trong chiến tranh, phong trào bãi công ở Petrograd đã chiếm tỷ lệ to lớn vào đầu năm 1917. Tâm trạng bất mãn phát ra từ các trung tâm công nghiệp đã tìm thấy tiếng vang trong hàng ngũ quân đội, những người đang phải chịu hết từ thất bại này đến thất bại khác và lâm vào kiệt quệ. Sự khủng hoảng của chế độ đã tiên liệu trước phong trào đấu tranh của quần chúng.

Mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu, không phải ở dưới cùng mà là ở trên cùng. Biểu hiện đầu tiên của nó là một loạt các cuộc khủng hoảng và chia rẽ trong giai cấp thống trị, họ cảm thấy mình đang ở trong ngõ cụt và không thể tiếp tục cai trị theo cách cũ.

Trotsky diễn đạt điều đó theo nghĩa sau: “Một cuộc cách mạng nổ ra khi tất cả những đối kháng xã hội đã đạt đến mức căng thẳng nhất. Nhưng điều này làm cho tình hình trở nên không thể chịu đựng được ngay cả đối với các tầng lớp của xã hội cũ – tức là những người đã chấp nhận sự đổ vỡ.”

Mùi tham nhũng và tai tiếng luôn đeo bám một chế độ đã tồn tại lâu đời. Bệnh dịch của những bê bối tài chính và chính trị ngày nay ở Anh, Nhật, Mỹ, Ý, chẳng kém cạnh gì vụ Rasputin trong hội đồng cố vấn của “Nicholas khát máu”, hay Pompadour của triều đình Pháp.

Cossacks

Bất chấp được vũ trang mạnh mẽ, Cossacks, hiến binh của Sa hoàng đã thất bại ngay ở thử thách nghiêm trọng đầu tiên, giống như một quả táo thối bị gió thổi rụng. Quân đội sụp đổ như những lá bài xếp một khi nó phải đối mặt với những người lao động đã một lòng quyết tâm thay đổi xã hội.

Toàn thể giai cấp công nhân học hỏi nhanh hơn từ kinh nghiệm – đặc biệt là kinh nghiệm từ các sự kiện trọng đại. Kinh nghiệm của năm 1905, bất chấp thất bại của nó, đã để lại một ấn tượng không thể phai mờ, thứ đã tái hiện ngay lập tức vào tháng Hai với sự thành lập của các Xô Viết – các ủy ban do công nhân và binh lính bầu ra, đồng thời là cơ quan đấu tranh và có tiềm năng của một chính quyền mới.

Như đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, trong Cách mạng Tháng Hai, các công nhân đã nắm quyền lực trong tay nhưng họ đã không thừa nhận sự thật này. Với sự lãnh đạo đúng đắn, giai cấp công nhân có thể đã ngay lập tức tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng dưới sự lãnh đạo của những người Menshevik và những nhà Cách mạng Xã hội, cuộc cách mạng tháng Hai đã kết thúc trong sự phá bỏ “quyền lực kép”.

Cách mạng có nghĩa là sự xâm nhập một cách bùng nổ vào sân khấu chính trị của hàng triệu đàn ông và phụ nữ, những người chưa từng có kinh nghiệm nào về nó, họ hành động để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề cấp bách nhất của họ. Và không thể tránh khỏi là trong lần đầu, quần chúng đã tìm đến đường lối ít phản kháng nhất, giải pháp dễ dàng nhất, đó là các nhân vật chính trị nổi tiếng, các đảng phái chính trị quen thuộc.

Trong trường hợp của Nga, bản thân cuộc chiến đã ảnh hưởng một cách cơ bản đến sự cân bằng của các lực lượng giai cấp. Ở đây, đại diện cho “quần chúng”, trước hết và quan trọng nhất, vẫn là giai cấp nông dân, vốn từng là xương sống của quân đội Sa hoàng. Cho đến năm 1914, những người Bolshevik đã lãnh đạo 4/5 giai cấp công nhân có tổ chức. Dầu vậy tình hình đã bị thay đổi bởi chiến tranh.

Trong cuộc cách mạng Tháng Hai, toàn bộ cán cân của các lực lượng giai cấp đã bị thay đổi bởi sự xuất hiện một cách bùng nổ của hàng loạt công nhân chưa được đào tạo chính trị, những người có xu hướng ủng hộ những người Menshevik. Yếu tố quyết định trong phương trình là quân đội, và ở đây nông dân có ưu thế hơn hẳn. Những người lính nông dân, mà sự thức tỉnh với đời sống chính trị mới đến gần đây, đã không hướng về những người Bolshevik, mà là những nhà lãnh đạo Xã hội chủ nghĩa “ôn hòa”, những người Menshevik và đặc biệt là những nhà Cách mạng Xã hội (SR).

Sau trải nghiệm của năm 1905, các công nhân lo sợ một sự tan vỡ của liên minh với những người nông dân mặc đồng phục, đã lâm vào trạng thái chờ đợi bị động. Trọng lượng tổng hợp của khối công – nông thiếu kinh nghiệm về chính trị đã khiến cán cân nghiêng sang những người Menshevik và SR, khiến cho những người Bolshevik chỉ còn một thiểu số nhỏ trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng.

Mensheviks

Quần chúng đặt niềm tin vào những nhà lãnh đạo lao động cải lương, những người mà như mọi khi, đặt niềm tin của họ vào cánh “tự do” của giai cấp tư sản, và do đó đã nỗ lực hết mình để bảo vệ chế độ quân chủ cũng như chấm dứt cách mạng. Cùng lúc đó, đằng sau hậu trường, đám tướng lãnh phản động đang chuẩn bị cho các cuộc phản công.

Không phải lần đầu tiên cũng không phải lần cuối, những người công nhân đã chiến đấu và chinh phục quyền lực chỉ để rồi bị lừa gạt và cướp mất thành quả bởi những người lãnh đạo của họ. Các nhà lãnh đạo SR và Menshevik bị ám ảnh bởi một ý tưởng duy nhất: trao lại quyền lực càng nhanh càng tốt cho các chủ ngân hàng và nhà tư bản.

Chính phủ Lâm thời xuất hiện từ Cách mạng Tháng Hai là một chính phủ của địa chủ và tư bản, những kẻ tự xưng là “những nhà dân chủ”. Kerensky, lãnh đạo cánh hữu của đảng Lao động (“Trudovik”), đã tham gia chính phủ này với tư cách Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trong khi bộ trưởng chiến tranh là Guchkov, nhà công nghiệp lớn ở Moscow và bộ trưởng ngoại giao là nhà “tự do” Milyukov.

Các nhà hoạt động công nhân

Các nhà hoạt động công nhân vô cùng mất lòng tin vào chính phủ, nhưng giữa quần chúng trong xã hội có một làn sóng hưng phấn. Quần chúng ảo tưởng vào các nhà lãnh đạo của họ và coi Kerensky như là phát ngôn viên của họ trong chính phủ.

Bầu không khí say sưa với cuộc cách mạng dân chủ thịnh hành lúc đó thậm chí còn ảnh hưởng đến một số nhà lãnh đạo Bolshevik ở Petrograd. Lenin lúc này vẫn đang sống lưu vong ở Thụy Sĩ. Kamenev và Stalin, những nhà lãnh đạo chính ở Petrograd lúc này, đã không chịu nổi áp lực đòi hỏi sự “đoàn kết”. Theo bản năng, những người Bolshevik ở Petrograd đã chống lại Chính phủ Lâm thời, cái mà họ đã mô tả một cách chính xác là một chính phủ phản cách mạng. Tuy nhiên, Kamenev và Stalin đã dẫn đảng vào một liên minh chặt chẽ với SR và Menshevik, và thậm chí còn đề xuất tái thống nhất với họ.

Từ khi phải lưu vong ở Thụy Sĩ, Lenin đã quan sát tình hình với sự báo động. Những bức điện đầu tiên của ông gửi cho Petrograd hoàn toàn không khéo léo, cả trong giọng điệu và nội dung: “Chiến thuật của chúng ta tuyệt đối thiếu đi sự tự tin; không ủng hộ chính phủ mới; đặc biệt là hoài nghi Kerensky; trang bị vũ khí cho giai cấp vô sản là sự đảm bảo duy nhất; bầu cử trực tiếp đối với hội đồng thành phố Petrograd; không quan hệ gì với các bên khác.”

Sau khi Lenin trở lại vào tháng 4, Đảng Bolshevik lúc này đã lâm vào khủng hoảng. Đây là quy luật trong một tình huống cách mạng, khi những áp lực từ các thế lực giai cấp xa lạ đè nặng lên đảng và lãnh đạo của nó: áp lực cho “sự đoàn kết cánh tả”, nỗi sợ bị cô lập và cho ra rìa.

Sự căng thẳng giữa Lenin và đa số các nhà lãnh đạo lớn đến mức mà ngay sau khi trở về, Lenin đã buộc phải xuất bản Luận cương tháng Tư trên Pravda với chữ ký của chính mình bên dưới.

Tại Hội nghị tháng Tư, nơi diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt, Lenin đã cảnh báo rằng, thay vì phải chấp nhận vị trí của Kamenev và Stalin ông muốn đứng một mình, “giống như Karl Liebknecht, một chống lại 110” (ám chỉ lập trường phản chiến đầy can đảm của Liebknecht trong phái nghị viện của SPD Đức).

Lê-nin giải thích rằng cuộc cách mạng đã không đạt được những mục tiêu trọng tâm của nó: đó là cần phải lật đổ chính phủ lâm thời; rằng công nhân phải nắm chính quyền trong một liên minh với đông đảo nông dân nghèo. Chỉ bằng những biện pháp này, chiến tranh mới có thể kết thúc, ruộng đất mới được trao cho nông dân và do đó những điều kiện để chuyển sang chế độ xã hội chủ nghĩa mới được thiết lập.

Về bản chất, những ý tưởng này giống hệt với những quan điểm được Trotsky đưa ra một cách xuất sắc vào năm 1904-5, và được lịch sử gọi là “cuộc cách mạng thường trực”.

Ngày hôm đó những ý tưởng của Lenin đã chiến thắng. Tuy nhiên, những người Bolshevik vẫn là một thiểu số trong các Xô Viết, và các nhà lãnh đạo Xô Viết – những người Menshevik và SR – thì vẫn đang ủng hộ Chính phủ Lâm thời. Và ở đây chúng ta thấy các thủ pháp linh hoạt của Lenin, khác xa với chủ nghĩa phiêu lưu cực tả. Dưới khẩu hiệu: “Kiên trì giải thích”, ông kêu gọi những người Bolshevik ngay trước mặt các công nhân Xô Viết hãy đặt ra đòi hỏi cho các nhà lãnh đạo cải cách, đòi hỏi họ hành động thay cho lời nói suông, công bố các hiệp ước bí mật, chấm dứt chiến tranh, đoạn tuyệt với giai cấp tư sản và nắm quyền vào tay họ. Nếu họ làm những điều này, như Lenin đã lặp đi lặp lại nhiều lần, thì cuộc đấu tranh giành quyền lực sẽ được chuyển thành cuộc đấu tranh ôn hòa cho đa số trong các Xô viết.

Nắm chính quyền

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Menshevik và SR không có ý định đoạn tuyệt với Chính phủ lâm thời tư sản. Trên thực tế, họ sợ nắm chính quyền, sợ công nhân và nông dân hơn là bộ tham mưu phản cách mạng.

Nhưng sự thật thì Chính phủ lâm thời chỉ là một cái vỏ rỗng. Chỉ có hai quyền lực là thực sự, một bên là các Xô viết, đại biểu của công nhân và nông dân; và bên kia, tàn dư của bộ máy nhà nước cũ, được tập hợp xung quanh chế độ quân chủ và bộ tham mưu, núp dưới cái bóng bảo vệ của Chính phủ lâm thời để chuẩn bị cho cuộc phản cách mạng. Hoặc một bên sẽ vươn lên nắm lấy chính quyền hoặc bên kia sẽ làm cuộc phản cách mạng để lật đổ mọi thành quả cách mạng.

Sự bùng nổ của tăng trưởng

Một trong những đặc điểm chính của tình thế cách mạng là sự thay đổi có thể hết sức đột ngột của tâm trạng quần chúng. Các công nhân nhanh chóng học hỏi trên cơ sở các sự kiện.

Do đó, một khuynh hướng cách mạng có thể phát triển bùng nổ, chuyển từ một thiểu số nhỏ bé thành một lực lượng mang tính quyết định, chỉ với một điều kiện; rằng nó phải kết hợp các chiến thuật linh hoạt với sự kiên định không gì lay chuyển với tất cả các vấn đề chính trị.

Lúc đầu, Lenin bị các đối thủ chế giễu như là một “bè phái” vô vọng, người đã cam chịu sự bất lực do không giữ được “sự thống nhất với cánh tả”. Tuy nhiên, ngay sau đó thủy triều bắt đầu chảy mạnh theo hướng của những người Bolshevik.

Trong một cuộc cách mạng, Trotsky đã viết, “cái cực đoan bao giờ cũng thay thế cái thiểu số.” Những người lao động hiểu ra tính đúng đắn của những tư tưởng mang khuynh hướng cách mạng từ chính kinh nghiệm của bản thân họ, đặc biệt là kinh nghiệm của những sự kiện trọng đại.

Những điều này là hoàn toàn cần thiết để người lao động tự thuyết phục mình về sự cần thiết của một sự biến đổi xã hội từ căn bản. Các giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển ý thức của giai cấp được phản ánh bởi sự lên xuống kế tiếp nhau của các đảng phái, xu hướng, chương trình và cá nhân chính trị.

Sự thất bại của Chính phủ lâm thời tư sản trong việc giải quyết một trong những vấn đề cơ bản của xã hội đã gây ra phản ứng gay gắt trong các trung tâm chính của giai cấp công nhân, đặc biệt là Petrograd, nơi giai cấp vô sản chủ chiến kết hợp với các thủy thủ cách mạng (không giống như bộ binh, họ thường được rút ra từ giai cấp vô sản trong công xưởng, đặc biệt là công nhân lành nghề)

Việc tăng giá liên tục, khẩu phần bánh mì bị cắt giảm làm lên men sự bất bình. Và hơn hết, cuộc chiến vẫn tiếp tục làm cho tình hình trở nên sôi sục.

Các công nhân đã phản ứng bằng một loạt các cuộc biểu tình quần chúng bắt đầu từ tháng 4, điều này cho thấy tâm trạng của công nhân đang ngày càng chuyển sang cánh tả. Trong một diễn biến song song, các lực lượng phản động đã cố gắng huy động trên các đường phố, dẫn đến một loạt các cuộc đụng độ.

Biểu tình

Những người Bolshevik đã kêu gọi một cuộc biểu tình vào tháng 4, một là để gây áp lực lên các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa cải cách và hai là kiểm tra tâm trạng của tư bản.

Các nghị quyết từ các nhà máy và khu công nhân tràn đến Ban chấp hành Xô viết, đòi đoạn tuyệt với giai cấp tư sản. Công nhân đến các ủy ban địa phương để yêu cầu làm thế nào để chuyển tên của họ từ những người Menshevik sang Bolshevik.

Đến đầu tháng 5, những người Bolshevik đã có ít nhất một phần ba số công nhân ở Petrograd.

Trotsky viết: “Mọi hành động hàng loạt, bất kể mục đích trước mắt của nó là gì, đều là lời cảnh báo gửi tới giới lãnh đạo. Lời cảnh báo này thoạt đầu có tính cách nhẹ nhàng, nhưng càng ngày nó càng trở nên kiên quyết hơn. Đến tháng Bảy, nó đã trở thành một lời đe dọa. Và vào tháng 10, chúng tôi có hành động cuối cùng.”

Những người biện hộ cho giai cấp thống trị luôn tìm cách trình bày cuộc cách mạng như một sự kiện khát máu. Ở đây, các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa cải cách phát huy lợi ích của họ, bằng cách đóng giả như những nhà dân chủ nghị viện yêu chuộng hòa bình. Nhưng lịch sử chứng minh sự sai lầm của cả hai khẳng định. Những trang đẫm máu nhất trong lịch sử xung đột xã hội xảy ra khi một ban lãnh đạo hèn nhát và kém cỏi bỏ trống vị trí vào thời điểm quyết định, và do đó không thể chấm dứt cuộc khủng hoảng xã hội bằng hành động mạnh mẽ. Sau đó, sáng kiến ​​này được chuyển cho các lực lượng phản cách mạng vốn luôn tàn nhẫn và chẳng ngại lội qua cả sông máu để “dạy cho quần chúng một bài học.”

Vào tháng 4 năm 1917, các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa cải cách của Xô Viết đã có thể nên nắm quyền một cách “hòa bình” – như Lenin đã mời họ làm. Sẽ không có nội chiến. Quyền lực của các nhà lãnh đạo này đến mức mà công nhân và binh lính sẽ phải tuân theo họ vô điều kiện. Những kẻ phản động sẽ là những tướng lĩnh không quân.

Nhưng việc những người theo chủ nghĩa cải cách từ chối nắm quyền một cách hòa bình đã khiến cho đổ máu và bạo lực là không thể tránh khỏi, và những thành quả của cuộc cách mạng cũng rơi vào lâm nguy. Các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức đã trao lại quyền lực mà công nhân và binh lính Đức đã giành được, theo cách tương tự vào năm 1918, họ đã gây ra một tội ác mà cả nhân loại sẽ phải trả giá bằng sự trỗi dậy của Hitler, các trại tập trung và nỗi kinh hoàng của một cuộc chiến tranh thế giới mới. Thay vì nắm quyền, các nhà lãnh đạo Menshevik và SR đã bước vào chính phủ liên hiệp đầu tiên với các nhà lãnh đạo tư sản.

Lúc đầu, quần chúng hoan nghênh điều này, tin rằng các Bộ trưởng xã hội chủ nghĩa ở đó để đại diện cho lợi ích của họ. Một lần nữa, chỉ những sự kiện mới có thể mang lại sự thay đổi trong nhận thức. Không thể tránh khỏi, các bộ trưởng xã hội chủ nghĩa đã trở thành con tốt của giới chủ đất và tư bản, và trên hết là chủ nghĩa đế quốc Anh-Pháp, vốn đang sốt ruột đòi một cuộc tấn công mới trên mặt trận Nga.

Cũng chính những “nhà xã hội chủ nghĩa” này, những người đã giữ quan điểm hòa bình trước đó, khi họ bước qua ngưỡng cửa của Bộ đã ngay lập tức quên mất các bài phát biểu của Zimmerwald và nhiệt tình ủng hộ chiến tranh. Một cuộc tấn công mới đã được công bố. Các biện pháp tái lập kỷ luật trong quân đội phản ánh nỗ lực tái khẳng định quyền lực của giai cấp sĩ quan. Tâm trạng của các công nhân ở Petrograd gần như sôi sục. Như một phát súng cảnh cáo và thử thách sức mạnh, những người Bolshevik đã kêu gọi một cuộc biểu tình vũ trang để gây áp lực lên Đại hội Xô viết vào tháng Sáu.

Đảng đã lên tiếng trước cảm giác thất vọng ngày càng tăng của công nhân Petrograd, được tóm gọn trong các khẩu hiệu nhằm thẳng vào các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa cải cách của Xô Viết: “Tiếp quản quyền lực nhà nước!” “Đoạn tuyệt với giai cấp tư sản!” “Bỏ ý tưởng về một liên minh và nắm quyền thống trị vào tay của riêng bạn!” Ý tưởng về một cuộc biểu tình vũ trang đã gây ra phản ứng quá khích từ phía các nhà lãnh đạo trung lưu, những người đã phát động một chiến dịch vu cáo, xuyên tạc đó như là một âm mưu đảo chính. Bộ trưởng Menshevik Tsereteli cảnh báo đáng ngại rằng “những người không biết sử dụng vũ khí phải bị tước vũ khí.” Là một thiểu số nhỏ trong Đại hội Xô viết (mà cuộc biểu tình được lên kế hoạch trùng hợp với), những người Bolshevik đã quyết định rút lui. Ý tưởng về một cuộc biểu tình vũ trang đã bị loại bỏ. Ở vị trí của nó, chính Đại hội Xô viết đã kêu gọi một cuộc biểu tình không vũ trang vào ngày 1 tháng 7. Nỗ lực nhằm điều động quân của Bolshevik này đã bị phản tác dụng.

Sự tăng trưởng của ý thức

Các công nhân và binh lính đến cuộc biểu tình “chính thức” mang theo các biểu ngữ với khẩu hiệu của những người Bolshevik: “Đả đảo các hiệp ước bí mật!” “Đả đảo mười bộ trưởng tư bản!” “Không có công kích!” “Tất cả quyền lực về tay Xô Viết!” Trong một cuộc cách mạng, ngay cả những tổ chức cực kỳ dân chủ và linh hoạt như Xô Viết cũng không đủ khả năng phản ánh sự thay đổi nhanh chóng của tâm trạng quần chúng. Trên hết, những người lính đã tụt hậu so với những người lao động, và những tỉnh lạc hậu đã tụt hậu so với cách mạng Petrograd.

Quá trình tăng trưởng của ý thức không bao giờ đồng nhất. Các tầng lớp khác nhau đưa ra các kết luận khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Luôn có một nguy cơ là các tầng lớp cao hơn về ý thức sẽ đi quá xa quá sớm, và trở nên tách biệt với số đông, điều sẽ gây ra những hậu quả tai hại.

Quá tức giận trước cuộc tấn công, các bộ phận cấp tiến nhất của đơn vị đồn trú ở Petrograd đang chuẩn bị cho một cuộc biểu tình vũ trang. Nhận thấy rằng các tỉnh vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với Chính phủ Lâm thời, những người Bolshevik đã cố gắng kiềm chế những người lính, nhưng cuối cùng họ buộc phải đưa mình lên đầu cuộc biểu tình để ngăn chặn một cuộc thảm sát.

Như những người Bolshevik đã cảnh báo, chính phủ đã chớp lấy cơ hội để đàn áp phong trào bằng cách dựa vào các trung đoàn lạc hậu hơn. “Những ngày tháng Bảy” kết thúc trong thất bại, nhưng nhờ sự lãnh đạo có trách nhiệm của những người Bolshevik, tổn thất được giữ ở mức tối thiểu, và ảnh hưởng của thất bại không kéo dài lâu.

Một cuộc cách mạng không phải là vở kịch một màn. Nó cũng không phải là một quá trình đơn giản, chỉ có tiến lên phía trước. Cuộc cách mạng Nga diễn ra trong chín tháng. Cách mạng Tây Ban Nha diễn ra trong bảy năm – từ sự sụp đổ của chế độ quân chủ năm 1931 đến Ngày tháng Năm ở Barcelona năm 1937. Trong cuộc cách mạng, có những giai đoạn tiến lên ngoạn mục, nhưng cũng có những giai đoạn tạm lắng, thất bại, thậm chí phản động trỗi dậy. Do đó, cuộc cách mạng tháng Hai đã thành công bởi phản ứng tiếp theo Những ngày tháng Bảy. Những người Bolshevik bị buộc tội là điệp viên Đức và bị săn đuổi, bắt giữ và bỏ tù một cách không thương tiếc. Lenin buộc phải lẩn trốn, và sau đó chuyển đến Phần Lan.

Phản cách mạng

Kể từ tháng 2 trở đi, núp sau lớp áo khoác của Chính phủ lâm thời, cuộc phản cách mạng đã manh nha theo thời gian. Cuộc tấn công thất bại và việc những người Bolshevik bị nghiền nát vào tháng Bảy giờ đây đã khiến con lắc nghiêng sang phải. Tầng lớp sĩ quan bắt đầu chuẩn bị nghiêm túc cho một cuộc đảo chính, mà đỉnh cao là cuộc nổi dậy của Tướng Kornilov vào cuối tháng 8. Chỉ có phản ứng dũng cảm của anh em công nhân mới cứu được cách mạng. Các công nhân đường sắt đã đánh cược mạng sống để từ chối lái tàu hoặc làm chệch hướng chúng. Quân đội của Kornilov thấy mình không có tiếp tế, không có xăng dầu, vô tổ chức và mất phương hướng. Những kẻ kích động mà chủ yếu là những người Bolshevik, đã làm việc trong quân đội của Kornilov và đã tranh thủ được họ. Kornilov đã trở thành một vị tướng không có quân đội. Một cách miễn cưỡng, những người Menshevik và SR đã bị buộc phải hợp pháp hóa những người Bolshevik. Nhưng bây giờ thì quần chúng đã bắt đầu nhận ra sự thật. Trong một bài báo đầu tiên về cuộc cách mạng, được viết giữa các phiên họp tại các cuộc đàm phán hòa bình Brest-Litovsk năm 1918, Trotsky nhớ lại những sự kiện vẫn còn mới tinh trong tâm trí ông: “Sự gia tăng ảnh hưởng và sức mạnh của những người Bolshevik đã không còn gì phải nghi ngờ nữa, và bây giờ nó đã nhận được một động lực không thể nào cưỡng lại được. Những người Bolshevik đã cảnh báo chống lại Liên quân, chống lại cuộc tấn công tháng Bảy, và đã báo trước về cuộc nổi dậy của Kornilov. Quần chúng bình dân bây giờ có thể thấy rằng chúng tôi đã đúng.”

Hoảng sợ trước sự tiến công của “bộ phận man rợ” của Kornilov, các nhà lãnh đạo Xô Viết theo chủ nghĩa cải cách đã buộc phải trang bị vũ khí cho công nhân. Vị trí của những người Bolshevik bây giờ đã trở nên quyết định trong Xô Viết Petrograd. Hơn nữa, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai đã sắp diễn ra, và ở đây những người Bolshevik được đảm bảo về đa số. Có thời điểm, các chính sách phản cách mạng của các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa cải cách của Xô Viết đã khiến Lenin xem xét việc từ bỏ khẩu hiệu “Tất cả quyền lực về tay Xô viết” và thay vào đó là ý tưởng nắm quyền thông qua các ủy ban của nhà máy. Thực tế này cho thấy tính linh hoạt cao độ trong chiến thuật của Lenin. Không có vấn đề gì về việc tôn sùng bất kỳ hình thức tổ chức nào, ngay cả với Xô Viết. Tuy vậy, hình thức bầu cử trực tiếp của Xô Viết từ các nơi làm việc và đồn trú thể hiện ý chí của xã hội một cách dân chủ hơn nhiều so với bất kỳ chế độ dân chủ nghị viện tư sản nào từng được biết đến trong lịch sử.

Một trong những lời nói dối trắng trợn nhất về tháng Mười là những người Bolshevik là “phi dân chủ” bởi vì họ dựa trên nền dân chủ của Xô Viết hơn là một nghị viện (“Quốc hội lập hiến”). Lập luận cho rằng Lenin và Trotsky đại diện, không phải cho quần chúng mà chỉ là một nhóm âm mưu nhỏ, có kỷ luật chặt chẽ. Đối với những người chỉ trích này thì Tháng Mười không phải là một cuộc cách mạng mà là một “cuộc đảo chính”.

Sự thật rất khác. Hệ thống Xô Viết vào năm 1917 và những năm ngay sau cuộc cách mạng là hệ thống đại diện cho nhân dân dân chủ nhất từng được biết đến. Ngay cả những mô hình dân chủ nhất của nền đại nghị tư sản cũng không thể so sánh với nền dân chủ đơn giản và trực tiếp của các Xô viết. Ngẫu nhiên, từ “soviet” trong tiếng Nga chỉ đơn thuần có nghĩa là “hội đồng” hoặc “ủy ban”. Xô Viết ra đời năm 1905 với tư cách là “ủy ban đình công” mở rộng. Năm 1917, các Xô viết công nhân được mở rộng để bao gồm đại diện của những người lính, những người mà đa số là nông dân mặc đồng phục. Đại diện cho các Xô viết được bầu trực tiếp bởi các đồng nghiệp của họ và có thể thu hồi ngay lập tức. So sánh điều này với hệ thống hiện tại ở Anh, nơi các nghị viện được bầu trung bình bốn năm một lần và không có phương cách nào để thu hồi. Một khi quốc hội được bầu, nó không thể bị loại bỏ cho đến cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Các chính phủ được tự do từ bỏ lời hứa của họ – và luôn luôn làm như vậy, với sự hiểu biết rõ rằng không ai làm gì được họ.

Hầu hết các nghị sĩ là chính trị gia chuyên nghiệp, không có liên hệ với những người đã bầu họ. Họ sống ở trong một thế giới khác, với mức lương và chi phí cao khiến họ ở trong một nhóm xã hội khác với những người mà họ được cho là đại diện.

Trong một hoàn cảnh cách mạng, khi tâm trạng của quần chúng thay đổi nhanh chóng, các cơ chế cồng kềnh của nền dân chủ tư sản hình thức sẽ hoàn toàn không có khả năng phản ánh chính xác tình hình. Ngay cả các Xô Viết, như chúng ta đã thấy, cũng thường bị tụt lại phía sau.

Trong tác phẩm năm 1918 của mình, Trotsky đã mô tả nền dân chủ của Xô Viết theo cách sau: “Họ phụ thuộc vào các nhóm hữu cơ, chẳng hạn như nhà xưởng, nhà máy, hầm mỏ, tiểu đoàn, trung đoàn, v.v. Trong mọi trường hợp, tất nhiên, không có quy định pháp lý nào như vậy để đảm bảo cho tính chính xác hoàn hảo của các cuộc bầu cử như trong các cuộc bầu cử hội đồng thành phố và zemstvos (một loại hội đồng cấp huyện được bầu ở các vùng nông thôn theo chủ nghĩa Sa hoàng, AW), nhưng có sự đảm bảo quan trọng hơn nhiều về sự liên lạc trực tiếp và tức thì của người đại diện với các đại cử tri của mình. Thành viên của hội đồng thành phố hoặc zemstvos phụ thuộc vào khối lượng đại cử tri vô định hình, những người đầu tư cho anh ta quyền lực trong một năm, và sau đó giải tán. Mặt khác, các đại cử tri Liên Xô vẫn thường xuyên liên lạc với nhau thông qua điều kiện sống và công việc của họ, đại diện của họ luôn chịu sự giám sát trực tiếp và bất cứ lúc nào cũng có thể được đưa ra những hướng dẫn mới, và nếu cần, và nữa là họ có thể bị người khác kiểm duyệt, thu hồi và thay thế.”

Những người theo chủ nghĩa xã hội cánh hữu đã cố gắng bằng mọi cách để ngăn chặn các Xô viết nắm quyền. Đầu tiên, họ tổ chức cái gọi là “Hội nghị Dân chủ”, kêu gọi một Bộ “trách nhiệm”. Không có cơ thể thỏa mãn này, và bị tấn công từ cánh tả và hữu. Sự phân cực nhanh chóng giữa các lớp đã làm cho mọi cuộc điều động của “trung tâm” nhanh chóng bị đánh bại. Những âm mưu và sự kết hợp bất tận của các chính trị gia tương phản với vị thế tuyệt vọng trên mặt trận mùa Thu lạnh giá và ẩm ướt. Tâm trạng ở các làng ngày càng sốt ruột. Những người theo chủ nghĩa xã hội cánh hữu cho rằng nông dân nên chờ đợi cuộc bầu cử của “Quốc hội lập hiến.” Những người Bolshevik yêu cầu chuyển giao ngay lập tức ruộng đất cho các ủy ban nông dân. Khẩu hiệu “hòa bình, bánh mì và đất đai” đã giành được số đông nông dân về phía Xô Viết. Đến tháng 10, sân khấu được dựng lên cho vở diễn cuối cùng trong vở tuồng cách mạng.

Trái ngược với một định kiến ​​phổ biến, cách mạng không giống như khởi nghĩa. Chín phần mười thành quả của cuộc cách mạng bao gồm việc giành được phần lớn công nhân và binh lính bằng công tác chính trị kiên nhẫn, được tóm tắt bằng khẩu hiệu của Lenin:

“Kiên nhẫn giải thích!”

Các đòn chủ yếu của tuyên truyền và kích động Bolshevik không phải nhằm vào các nhà lãnh đạo cánh hữu, mà là chống lại kẻ thù giai cấp – quân chủ, địa chủ, tư bản, phe Trăm đen (phát xít), và các Bộ trưởng tư sản tự do trong chính phủ liên hiệp.

Đa số Bolshevik

Đến tháng 10, những người Bolshevik đã chiếm đa số rõ ràng trong Xô Viết. Trotsky nhấn mạnh rằng ngày khởi nghĩa nên được tính đến cùng với việc khai mạc Đại hội Xô viết, nơi những người Bolshevik sẽ giành được đa số trong Ban chấp hành, và do đó có thể hành động với toàn quyền của Xô Viết, bao gồm đa số quyết định của xã hội.

Đặt dấu hỏi cho vấn đề nắm lấy quyền lực trong mọi cuộc cách mạng là vô nghĩa. Ở giai đoạn này, hoặc giai cấp cách mạng chuyển sang một cuộc tấn công quyết định, hoặc thời cơ bị mất và có thể không quay trở lại trong một thời gian dài. Quần chúng không thể bị giữ mãi trong trạng thái kích động. Nếu mất cơ hội và thế chủ động chuyển sang tay phản cách mạng, thì đổ máu, nội chiến và thời kỳ phản động chắc chắn sẽ xảy ra.

Đây là kinh nghiệm của mọi cuộc cách mạng. Chúng ta đã thấy nó trong giai đoạn 1918-23 ở Đức, và ở Tây Ban Nha từ 1931-37. Trong cả hai trường hợp, giai cấp công nhân đã phải trả giá cho những tội ác của giới lãnh đạo bằng một thất bại kinh hoàng, chế độ độc tài phát xít của Hitler và Franco và Chiến tranh thế giới thứ hai, gần như dẫn đến sự hủy diệt của nền văn minh.

Tầm quan trọng của sự lãnh đạo là như vậy mà cuối cùng, số phận của cuộc cách mạng Nga đã được định đoạt bởi hai người – Lenin và Trotsky. Các nhà lãnh đạo khác của những người Bolshevik – Stalin, Kamenev, Zinoviev – liên tục bỏ trống chỗ ngồi dưới áp lực “dư luận” của tầng lớp trung lưu – trên thực tế là định kiến ​​của các tầng lớp trên của tầng lớp trung lưu, giới trí thức và các nhà lãnh đạo tự do có học thức giả dạng chủ nghĩa xã hội. Những nhà lãnh đạo này đại diện cho những nỗ lực vô định hình, sự hoang mang ban đầu của quần chúng nhằm tìm ra lối thoát bằng con đường ngắn nhất.

Sự lừa dối tàn nhẫn

Tuy nhiên, những người lao động và nông dân đã rút ra kinh nghiệm rằng việc đi tắt đón đầu này thể hiện một sự lừa dối tàn nhẫn. Kinh nghiệm này, cùng với các chính sách, chiến lược và chiến thuật đúng đắn của Lenin và Trotsky, đã chuẩn bị cơ sở cho sự chuyển hướng quan điểm lớn theo hướng của chủ nghĩa Bolshevik. Điều này sẽ không bao giờ có thể thực hiện được nếu đường dây của những người hòa giải đã được chấp nhận.

Lenin liên tục bị kẻ thù của chủ nghĩa Bolshevism buộc tội theo “chủ nghĩa bè phái” – và bởi một bộ phận các nhà lãnh đạo Bolshevik muốn có “mặt trận rộng rãi với cánh tả”, tức là Menshevik và SR, và sợ bị “cô lập”. Nỗi sợ hãi này thậm chí còn rõ ràng hơn sau trải nghiệm của tháng Bảy. Ngoại trừ Lenin và Trotsky (những người đã gia nhập những người Bolshevik trong giai đoạn phản động vào mùa Hè, cùng với một nhóm quan trọng của những người theo chủ nghĩa Marx phi đảng phái, Mezhrayontsy), hầu hết những người Bolshevik nổi tiếng khác đều ủng hộ tham gia “Hội nghị Dân chủ” và ngay cả trong “tiền nghị viện” giả được thiết lập tại Hội nghị này – một “quốc hội” không có bất kỳ quyền hạn nào, không được bầu bởi ai và chỉ đại diện cho chính nó.

Các nhà lãnh đạo đảng cũ phản ánh quá khứ của công nhân và nông dân, chứ không phải hiện tại hay tương lai của họ. Cuối cùng, những người Bolshevik đã biểu tình để bước ra khỏi “tiền viện”, trước sự hoan nghênh nhiệt liệt của công nhân và binh lính – và sự kinh hoàng và phẫn nộ của những người hòa giải.

Chủ yếu nhờ công của Trotsky mà các đơn vị đồn trú ở Petrograd đã đứng về Bolshevik. Trotsky đã sử dụng Ủy ban Quân sự Cách mạng, do Cơ quan hành pháp Xô Viết lãnh đạo theo chủ nghĩa cải cách, để trang bị cho công nhân phòng thủ chống lại bọn phản động. Các công nhân trong các nhà máy sản xuất vũ khí đã phân phát súng trường cho Cận vệ đỏ. Các cuộc mít tinh, biểu tình và thậm chí cả các cuộc diễu hành quân sự được tổ chức công khai trên các đường phố của Petrograd.

Khác xa với công việc của một nhóm âm mưu nhỏ, bí mật, việc chuẩn bị cho cuộc nổi dậy có sự tham gia đông đảo của công nhân và binh lính.

John Reed, trong cuốn sách nổi tiếng Mười ngày rung chuyển thế giới đã kể lại bằng hình ảnh nhân chứng trực quan về những cuộc họp quần chúng này, được tổ chức vào mọi giờ cả ngày lẫn đêm, do những người Bolshevik giải quyết, còn lại SR, những người lính gần đây đã trở về từ mặt trận, và thậm chí cả những người theo chủ nghĩa vô chính phủ. Ngay cả trong cuộc cách mạng tháng Hai, đã có rất ít cuộc họp như thế này. Và tất cả đều đồng thanh: “Đả đảo chính phủ của Kerensky!” “Đả đảo chiến tranh!” “Tất cả quyền lực về tay Xô Viết!”

Petrograd cách mạng

Cơ sở quyền lực của Chính phủ lâm thời trên thực tế đã bị thu hẹp lại thành hư vô. Ngay cả những trung đoàn bảo thủ được điều động từ mặt trận về cũng bị lây nhiễm bởi tâm trạng của các nhà cách mạng ở Petrograd. Sự ủng hộ dành cho Chính phủ lâm thời ở thủ đô đã sụp đổ ngay lập tức khi công nhân bắt đầu di chuyển. Cuộc nổi dậy ở Petrograd là một sự kiện hầu như không đổ máu.

Vài năm sau, đạo diễn nổi tiếng của Liên Xô Sergei Eisenstein đã làm một bộ phim mang tên Tháng Mười, trong đó có cảnh nổi tiếng về cơn bão ở Cung điện Mùa đông, trong đó có một vài vụ tai nạn. Thực tế nhiều người thiệt mạng và bị thương hơn so với sự kiện thực tế! Sự tuyên truyền của bọn tư sản chống lại cách mạng tháng Mười là một sự xuyên tạc lịch sử một cách thô bạo. Việc giành chính quyền thực sự diễn ra êm thấm và rất ít sự phản kháng. Công nhân, binh lính và thủy thủ chiếm hết các tòa nhà chính phủ hết từ cái này đến cái khác mà không phải bắn một phát súng nào. Làm thế nào điều này có thể được? Chỉ một vài tháng trước đó, vị trí của Kerensky và Chính phủ lâm thời dường như không ai có thể thách thức. Nhưng trong khoảnh khắc của sự thật, nó không tìm đâu ra người bảo vệ. Quyền lực của nó đã sụp đổ. Quần chúng đã bỏ nó và chuyển sang những người Bolshevik.

Ý tưởng cho rằng tất cả những điều này là kết quả của một âm mưu thông minh của một nhóm nhỏ bé đáng được cảnh sát quan tâm, nhưng sẽ không đứng vững khi phân tích trên quan điểm khoa học. Chiến thắng áp đảo của những người Bolshevik tại Đại hội Xô Viết nhấn mạnh thực tế là các nhà lãnh đạo cánh hữu đã mất hết sự ủng hộ của họ. Các Menshevik và SR chỉ thắng 1/10 Đại hội – tổng cộng khoảng 60 người. Liên Xô được đa số bầu chọn để nắm quyền lực.

Lenin đã chuyển hai sắc lệnh ngắn về hòa bình và ruộng đất đã được Đại hội nhất trí thông qua, đồng thời bầu ra một cơ quan quyền lực trung ương mới, mà họ gọi là “Hội đồng ủy viên nhân dân”, để tránh biệt ngữ cấp bộ tư sản. Và quyền lực đã nằm trong tay nhân dân lao động.

Một tháng mười mới

Bây giờ, bảy mươi lăm năm sau, bộ phim lịch sử dường như đang được phát ngược lại. Giai cấp công nhân Liên Xô đã phải trả một cái giá khủng khiếp cho những tội ác của chủ nghĩa Stalin. Sự sụp đổ của chế độ quan liêu bao cấp là sự mở đầu cho nỗ lực quay trở lại chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, như Lê-nin từng nói “lịch sử có muôn hình vạn trạng.” Trên con đường tư bản chủ nghĩa, không có tương lai cho nhân dân lao động.

Trên cơ sở kinh nghiệm của mình, các công nhân của Liên Xô cũ sẽ hiểu được thực tế đó. Những ý tưởng, chương trình và truyền thống cũ sẽ được khám phá lại. Cơ sở sẽ được đặt cho một phiên bản mới của Cách mạng Tháng Mười, trên cơ sở chất lượng cao hơn, không chỉ ở Liên Xô cũ, mà trên quy mô toàn thế giới.

Alan Woods, tháng 11 năm 1992

Nguồn: Bolshevik.info

Join us

If you want more information about joining the IMT, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.